Xã hội
Nhiều mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng cần được nhân rộng
01:48 PM 01/08/2019
(LĐXH) – Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), tính đến tháng 4.2019 trên cả nước hiện có 105 cơ sở cai nghiện công lập, hiện đang điều trị, cai nghiện cho gần 38.500 người nghiện, trong đó có gần 26.500 người cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án.
Ngoài ra, gần 4.000 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, hơn 4.500 người nghiện không có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội và gần 3.500 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập.
Hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý ngày một tốt hơn, nhất là trong việc tiếp nhận, phân loại đối tượng nghiện, cắt cơn, cai nghiện, điều trị phác đồ cũng như lao động trị liệu và tạo việc làm, tạo ra môi trường thân thiện sau cai nghiện, nhất là quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở cai nghiện đều rơi vào tình trạng quá tải, thông thường là quá tải gấp 2 lần, thậm chí có nơi quá tải đến 4 lần, dẫn đến việc học viên phá cơ sở, bằng mọi lý do khác nhau, sẵn sàng đưa ra các xung đột nhất định để trốn khỏi cơ sở cai nghiện.
Hội viên CLB "Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy" P. Thọ Quang tham quan thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
Đến nay, đã có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng; có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 4.320 người nghiện; quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 23.600 người sau cai nghiện.
Thời gian qua, đã có nhiều mô hình mới hỗ trợ cai nghiện đang được thí điểm triển khai như mô hình “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma túy” của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Mô hình này đang được triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội (tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm), và TP.HCM (tại quận 4, Bình Thạnh và quận 1) nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ phù hợp với người sử dụng ma túy tại cộng đồng, nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện, vi phạm pháp luật do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.
Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" được thí điểm từ năm 2019 đến 2020 tại 6 phường thuộc các quận Nam Từ Liêm và Long Biên, bao gồm tổ chức tập huấn, đào tạo, lựa chọn điều phối viên thực hiện mô hình, phát hiện, tiếp cận, sàng lọc, điều trị cho người tham gia cai nghiện... Kinh phí thực hiện trong năm 2019 dự kiến là hơn 1 tỷ đồng (trong đó kinh phí ngân sách thành phố là 100 triệu đồng, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI hỗ trợ 630 triệu đồng...).
Một giờ học nghề xây dựng của học viên ở Cơ sở Bảo trợ Xã hội
Tính ưu việt của mô hình được thí điểm lần này tập trung ở hai điểm. Thứ nhất là tăng cường sự phối hợp giữa công an và lực lượng chuyên môn. Thứ hai, đầu tư một cách có chất lượng, với sự tư vấn của các chuyên gia Mỹ hàng đầu cho lực lượng chuyên môn làm về công tác điều trị cai nghiện, thay vì làm theo kiểu phong trào. Vì vậy, điều lo ngại nhất là tư tưởng nóng vội, điều trị cai nghiện không phải một sớm một chiều mà cần có một quá trình. Nếu chỉ giúp người nghiện cắt cơn một lần, sau họ lại tái sử dụng - coi như thất bại. Nút thắt ở đây chính là sự thay đổi về tư tưởng, để mọi người hiểu rằng, nghiện là bệnh mạn tính của não bộ, cần có quá trình điều trị lâu dài và kiên trì, trong đó, vai trò của cộng đồng phải đặc biệt được phát huy trong hỗ trợ người tham gia cai nghiện.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng vừa “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine” tại tỉnh Điện Biên, đồng thời ban hành các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; cung cấp đủ thuốc Methadone và Burprenorphine miễn phí cho các địa phương; thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả, liên tục cải tiến để nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh và cộng đồng.
Trên thế giới, Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp và hiện nay đã có 40 quốc gia trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, khu vực châu Âu có tới 59% các nước đang triển khai điều trị bằng Buprenorphine. Tại Việt Nam, điều trị nghiện bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS TP.HCM. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine cho thấy rất nhiều ưu điểm.

Duy Hưng