Xã hội
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
04:24 PM 23/04/2024
(LĐXH) – Sáng 23-4, tại Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng tham mưu) chủ trì phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 tổ chức Hội thảo khoa học có chủ đề: “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh- Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”.

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo

Các đồng chí: Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; thiếu tướng, TS.Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện LSQS; thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo Quân đoàn 4; Sư đoàn 341 và nhiều cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn chỉ đạo hội thảo.

Khai mạc hội thảo, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho biết, vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, cả nước đang dồn sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26-4 đến 30-4-1975) - đòn tiến công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng đập tan chính quyền ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; giữa lúc đó, trận tiến công tiêu diệt Yếu khu Trảng Bom (27-4-1975) của Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4 ngày ấy, Quân khu 4 hiện nay), có sự giúp sức của quân dân địa phương Đồng Nai, giữ vị trí, vai trò quan trọng…

Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Đây là một trong những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao trong toàn bộ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan một “mắt xích cứng” trên Đường số 1 thuộc hệ thống phòng thủ trọng yếu phía đông Sài Gòn của địch, mở đường cho ta giải phóng Biên Hòa và tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30-4-1975…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, trận đánh Trảng Bom vẫn luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều nhà khoa học, các cựu chiến binh, báo chí truyền thông. Hội thảo khoa học là dịp để ôn lại một trong những thắng lợi quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tri ân các anh hùng liệt sĩ dã làm nên chiến thắng Trảng Bom nói riêng, cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc nói chung, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, bồi dưỡng khát vọng, tạo động lực phát triển vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn chào mừng hội thảo.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, với quyết tâm “một ngày bằng hai mươi năm”, Tỉnh ủy Biên Hòa đã khẩn trương chỉ đạo quân và dân phối hợp cùng bộ đội chủ lực chuẩn bi mọi mặt, huy động tối đa các nguồn lực, bảo đảm cho tác chiến và dành thắng lợi trong trận đánh Trảng Bom.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Nửa thế kỷ qua, Chiến thắng Trảng Bom 27-4-1975 luôn là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom và trong cả nước; là nguồn động viên, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tiếp tục chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng Trảng Bom sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

Lãnh đạo tỉnh và đại biểu chủ trì hội thảo

Chỉ đạo tại hội thảo, thượng tướng Phùng Sĩ Tấn cho rằng, hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn vị trí, ý nghĩa lịch sử của thắng lợi đầu tiên trên hướng Đông Chiến dịch Hồ Chí Minh; rút ra những kinh nghiệm quí để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh: “Trận tiến công Trảng Bom là một điển hình về trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp sư đoàn. Thông qua Hội thảo khoa học này, chúng ta tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Trảng Bom, rút ra những kinh nghiệm quí để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”...

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phát biểu khai mạc hội thảo.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đề nghị, các ý kiến phát biểu, tham luận tại hội thảo cần tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - nhân tố đóng vai trò quyết định để làm nên chiến thắng đầu tiên của chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu. Đồng thời, phân tích, làm sáng tỏ sự chủ động, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 trong chỉ đạo tiến hành công tác chuẩn bị và thực hành trận Trảng Bom; nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong quá trình thực hành trận đánh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341… khẳng định vị trí, ý nghĩa, giá trị to lớn của Chiến thắng Trảng Bom với Chiến dịch Hồ Chí Minh; đúc rút những kinh nghiệm quý để vận dụng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng báo cáo đề dẫn Hội thảo. 

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng trong báo cáo đề dẫn cho hay, sau thất bại của chiến dịch Xuân Lộc, đúng 4h5p ngày 27-4-1975, Sư đoàn 341 nổ súng tiến công Trảng Bom. Đến 8h30p cùng ngày, ta đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch ở yếu khu Trảng Bom, xóa sổ sư đoàn 18 ngụy; làm chủ đoạn Đường từ ngã ba Sông Thao đến tây Trảng Bom. Sư đoàn 341 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân đoàn 4 giao.

Tham mưu trưởng Quân khu 7 mong muốn, các đại biểu tập trung phân tích làm rõ hơn, sâu sắc hơn 5 nội dung cơ bản như: sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của cấp chiến lược, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 là cơ sở, là nhân tố đóng vai trò quyết định để Sư đoàn 341 hạ quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…tiếp tục khẳng định, vai trò, ý nghĩa của chiến thắng Trảng Bom trong tổng thể chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiết mục văn nghệ trong hội thảo

Với gần 100 bài tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo khoa học, các đại biểu tiếp tục khẳng định đây là một trận tiến công điển hình về trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp sư đoàn. Thông qua Hội thảo khoa học, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Trảng Bom, rút ra những kinh nghiệm quí để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyệt Hà