Xã hội
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
04:27 PM 23/04/2024
(LĐXH) – Đây là phát biểu của Thứ trưởng Lê Văn Thanh tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra chiều ngày 23/4/2024 với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và các Sở, ngành địa phương.
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị, xã hội tại địa phương cũng như ý thức, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, đến xã trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và cụ thể hoá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm bố trí kinh phí thực hiện và lồng ghép gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bảo dân tộc, thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị
Sau 3 năm thực hiện Chương trình, Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giúp cho các địa phương, đặc biệt là huyện nghèo A Lưới và 07 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi,.. tạo điều kiện liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, Chương trình còn tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được xây mới, sửa chữa nhà ở, có nơi cư trú ổn định, an toàn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 4,93% năm 2021 xuống còn 2,27% năm 2023, bình quân hàng năm giảm 1,33%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra. Riêng tỷ lệ hộ nghèo huyện A Lưới giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,30% cuối năm 2023, bình quân hàng năm giảm 8,56%, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4-5%)…
Từ nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước qua Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã góp phần trong thực hiện phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo”, “ngày vì người nghèo”… đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, người nghèo khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh về nhà ở, vốn vay, trợ cấp xã hội và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.
Giai đoạn 2021-2023, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã vận động đạt hơn 79.122 triệu đồng. Đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 964 nhà cho người nghèo trị giá hơn 19 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 503 lượt người với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo học tập gần 2,8 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh như (trường học, nhà cộng đồng…) hơn 800 triệu đồng; trợ giúp xã hội khó khăn đột xuất, thăm hỏi tặng quà cho hơn 26.000 lượt người với kinh phí hỗ trợ gần 11 tỷ đồng; các hỗ trợ khác gần 3 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… trên địa bàn đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình (áo trắng) điều hành Hội nghị
Tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo A Lưới…
Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo góp phần ổn định đời sống của người dân. Những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân. Công tác chỉ đạo điều hành, triển khai các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. “Đây thực sự là những kết quả quý giá có được từ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, ông Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa ổn định, cần có giải pháp tháo gỡ. Hiện nay, tốc độ giải ngân còn khiêm tốn, tính đến ngày 31/12/2023, lũy kế giải ngân được 312.581,6 triệu đồng, đạt 56,6%. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chương trình ở một số địa phương cấp huyện, xã chưa kịp thời, đồng bộ; năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế (nhất là các xã thuộc vùng sâu, vùng xa); Tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số rất cao (hộ nghèo là 47,9%; hộ cận nghèo là 24,7%), vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (510 hộ); còn nhiều hộ thiếu việc việc làm, thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu đất sản xuất, không có phương tiện tiếp cận thông tin.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục rà soát, hoàn thành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để thực hiện Chương trình theo quy định tại Nghị định 27 và 38 của Chính phủ; Nghị quyết số 108 của Quốc hội về giám sát chuyên đề thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 111 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên cân đối nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo tỷ lệ quy định; huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Chương trình.
Tập trung thực hiện các giải pháp, hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, dân tộc thiểu số, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất, vốn sản xuất.  Khẩn trương nghiên cứu, triển khai chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng để bảo đảm hộ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn; có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người không có khả năng lao động cũng như các đối tượng yếu thế khác;
Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Phong trào thi đua Xoá nhà tạm, nhà dột nát đến hết năm 2025 bảo đảm hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Nghiên cứu, có giải pháp cụ thể về giảm nghèo đối với huyện A Lưới và các xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặt biệt khó khăn, tránh tình trạng giảm nghèo không bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo của tỉnh
Khánh Quyên