Xã hội
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
10:33 AM 23/04/2024
(LĐXH) - Với sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ trên các lĩnh vực, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình xếp thứ 3/18 sở, ngành trong tỉnh.

Sở LĐTBXH tỉnh đã thực hiện công bố, công khai đầy đủ 100% bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của Ngành dưới các hình thức

Trong năm 2023, Sở LĐTBXH thường xuyên rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 03 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở và thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh, trong đó đã thực hiện xây dựng quy trình điện tử đối với 07 TTHC mới ban hành, sửa đổi bổ sung do thay đổi chính sách thuộc các lĩnh vực Bảo trợ xã hội, Người có công. Thực hiện công bố, công khai đầy đủ 100% bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội dưới các hình thức. Hiện nay, có 178 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở, trong đó 132 thủ tục hành chính đang thực hiện tại Sở. Đến nay, có 48 TTHC đã cắt giảm tổng thời gian thực hiện là 362 giờ so với tổng số thời gian được Bộ LĐTBXH công bố; 100% TTHC đã cắt giảm 01 bước thực hiện so với quy trình nội bộ cũ.

Thực hiện số hóa hồ sơ các TTHC mới tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công ngay từ bước tiếp nhận ban đầu, đến nay, Sở LĐTBXH đã thực hiện số hóa 2.999 hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, trong đó cập nhật, hoàn thành số hóa 1.993 hồ sơ vào phần mềm quản lý Người có công; rà soát, tham mưu đưa 100% dịch vụ công đáp ứng yêu cầu thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (thực hiện cung cấp 85 thủ tục hành chính mức độ toàn trình; 30 TTHC mức độ 1 phần, 07 TTHC cung cấp thông tin trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của ngành); chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cán bộ, công chức thực hiện việc giải quyết các hồ sơ, công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.

Đồng thời tăng cường chỉ đạo giải quyết, trả kết quả trực tuyến trên cổng dịch vụ công, đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành; tiếp nhận, giải quyết 2.793 hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông , đảm bảo đúng thời gian quy định, không để tồn đọng, quá hạn. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với đối tượng người có công và bảo trợ xã hội; triển khai thực hiện 07 mô hình của Đề án 06.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Sở cũng gặp một số khó khăn như: Các đối tượng mà ngành quản lý (người có công, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội…) không hoặc ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, do đó tỷ lệ nộp hồ sư trực tuyến thấp. Mặt khác, do tính chất, đặc thù công việc của cán bộ ngành LĐTBXH ở các địa phương, đơn vị chủ yếu là chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế, nội dung công việc liên quan đến chuyển đổi số không nhiều…; công thức tính kinh phí bố trí cho công tác chuyển đổi số trên tổng số kinh phí thường xuyên cấp cho Sở chưa phù hợp, vì hơn 3/4 kinh phí cấp về Sở thực hiện nhiệm vụ thăm tặng quà cho người có công, hộ nghèo, trẻ em... không thể phân bổ cho công tác chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin. Do đó điểm chỉ số về kinh phí của Sở thấp nhất tỉnh dẫn đến điểm tổng xếp hạng chỉ số của Sở thấp.
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa bố trí được công chức có chuyên môn về công nghệ thông tin; việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức tại các đơn vị sự nghiệp gặp nhiều khó khăn do chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng; đối tượng phục vụ của ngành chủ yếu là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội nên khó tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, kinh phí dành cho công tác chuyển đổi số, an ninh mạng còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Sở LĐTBXH tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của UBND tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030 và năm 2024; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2024. Duy trì cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015. Thực hiện tốt quy chế tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên phần mềm một cửa điện tử./.
Hồng Phượng