Xã hội
Bến Tre tích cực thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy và cai nghiện phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2019
03:18 PM 11/10/2019
(LĐXH)-Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng trong tỉnh đã đấu tranh, triệt phá 65 vụ tội phạm ma túy (tăng 32 vụ = 97%) so với cùng kỳ năm 2018. Vật chứng thu giữ là 11,4263 gram heroin, 367,768 gram ma túy tổng hợp và gần 179 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đã triệt xóa 126 điểm, tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy với 327 đối tượng, phạt hành chính 222 đối tượng với số tiền 160,74 triệu đồng, số còn lại đang củng cố hồ sơ xử lý, truy nã 07 đối tượng; vận động và bắt 04 đối tượng.
Cơ quan chức năng cũng đã mời làm việc, kiểm tra, kiểm danh, kiểm diện, phúc tra 1.788 lượt người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, phát hiện 895 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 486 trường hợp với số tiền 390 triệu đồng, số còn lại đang củng cố hồ sơ xử lý và buộc cam kết không tái phạm.
Nhìn chung, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Bến Tre tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, cấu kết chặt chẽ hơn. Tội phạm xảy ra trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự có xu hướng gia tăng.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 808 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 24 người so với cùng kỳ năm 2018) và 1.780 người sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 40 người so với cùng kỳ năm 2018). Toàn tỉnh có 158/164 xã, phường, thị trấn có ma túy (tăng 02 xã so với cùng kỳ).
Tuy số lượng người nghiện bước đầu đã được kiềm chế, kéo giảm nhưng phần lớn chuyển sang sử dụng các chất ma túy tổng hợp dẫn đến tình trạng người nghiện ma túy tổng hợp có biểu hiện tâm thần, ngáo đá ngày càng gia tăng với 70% người nghiện sử dụng ma túy dạng đá, dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Cán bộ hội đoàn thể vận động người nghiện cai nghiện tại cộng đồng ở huyện Ba Tri
Trước thực trạng này, tỉnh Bến Tre đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống ma túy, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện.
Ngay từ đầu năm 2019, tỉnh đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các  chính sách, pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai như Nghị định 221/2013/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định 136/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/NĐ-CP; Nghị định số 94/2010/NĐ-CP về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng; Nghị định 90/2016/NĐ-CP quy định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 5740/KH-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phối hợp lập hồ sơ tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bến Tre…
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, các huyện, thành phố đã tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình cho 97 người (trong đó cai nghiện tại cộng đồng 27 người, cai nghiện tại gia đình 70 người).
Đồng thời các huyện, thành phố lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cho 79 người, trong đó có 3 nữ.
Về cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy, có 85 người nghiện của các huyện, thành phố đến Cơ sở cai nghiện ma túy đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, có 306 người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone.
Hiện Bến Tre có một Cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, công tác quản lý được đổi mới theo hướng mở, thân thiện, thực hiện nắm bắt tâm lý của người cai nghiện, rồi tư vấn và có giải pháp quản lý và điều trị phù hợp.
Các hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy đã đi vào ổn định, học viên chấp hành tốt nội quy, công tác quản lý, giáo dục tư ván, điều trị nghiện, hoạt động văn nghệ, thể thao, lao động trị liệu được Cơ sở cai nghiện ma túy triển khai thực hiện tốt. Sáu tháng đầu năm, Cơ sở Cai nghiện ma túy đã tiếp tiếp nhận mới 164 học viên (cai nghiện bắt buộc 79 học viên, cai nghiện tự nguyện 85 học viên, điều trị bằng thuốc thay thế Methadone 03 học viên). Tính đến ngày 05/06/2019, Cơ sở quản lý tổng số 191 học viên (cai nghiện bắt buộc 118 học viên, trong đó có 115 nam và 03 nữ), cai nghiện tự nguyện 68 học viên, điều trị ngoại trú bằng thuốc thay thế Methandone 03 học viên) và 05 học viên không nơi cư trứ đang chờ hoàn tất hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, cũng có 96 người chấp hành xong Quyết định cai nghiện bắt buộc. Cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức bàn giao về địa phương đúng theo quy định. Các huyện, thành phố tiếp nhận người sau cai nghiện về cộng đồng và phân công người hỗ trợ sau cai nghiện theo quy định. Trong số học viên hết thời gian cai nghiện bắt buộc về cộng đồng hiện có 69 người có việc làm, 18 người phát hiện đã tái nghiện  và 09 người đi khỏi nơi cư trú.
Theo đánh giá, công tác cai nghiện ma túy ở Bến Tre vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; công tác quản lý, cảm hóa người sau cai nghiện chưa được chặt chẽ; công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, người có quá khứ lầm lỗi hiệu quả chưa cao, còn nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn,… dẫn đến tỷ lệ tái nghiện, tái phạm cao.
Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống ma túy năm 2019, trong 6 tháng cuối năm 2019, tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, các bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy, UBND về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trên toàn địa bàn.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; chủ động đổi mới, sáng tạo cách thức thực hiện phù hợp với nội dung và đối tượng tuyên truyền; tổ chức, hướng dẫn cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia phong trào phòng, chống ma túy, bài trừ tệ nạn xã hội; phối hợp quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người sau cai nghiện và người trong diện quản lý sau cai vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoách, nghị quyết liên tịch, liên ngành về phòng, chống ma túy đã được ký kết giữa lực lượng Công an và các ngành, đoàn thể.
Siết chặt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong các ngành, nghề, lĩnh vực công tác, nhất là các ngành nghề, dịch vụ hoạt động kinh doanh có điều kiện; các hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, tàng trữ, sản xuất tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất làm triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy.
Thực hiện tốt công tác tổ chức các hoạt động cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; triển khai thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, người có quá khứ lầm lỗi nhằm kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tái nghiện, tái phạm, hạn chế sự gia tăng của người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý chặt chẽ số người nghiện tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai, không để số đối tượng xấu lôi kéo tiếp tục tái sử dụng chất ma túy; tiếp tục vận động người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện tự nguyện và Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp./.
Mỹ Hạnh