Xã hội
Yên Thế: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
10:03 AM 29/11/2018
(LĐXH) - Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát huy tối đa những lợi thế của địa phương, nhờ đó đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Để thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, UBND huyện Yên Thế ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn giảm 5-6%/năm trở lên. Năm 2018, huyện phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 14,8%, theo đó các dự án giảm nghèo như Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; các dự án về nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh cũng được Yên Thế triển khai đầy đủ, nghiêm túc; đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có vốn để phát triển sản xuất, tự lực vươn lên bằng chính năng lực của mình, điều này không chỉ góp phần cổ vũ động viên phong trào thi đua sản xuất mà còn là hướng đi hiệu quả trong giảm nghèo bền vững.
Nuôi gà đồi là mô hình hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững ở Yên Thế
Yên Thế với địa bàn rộng lớn, có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại.  Đến nay, diện tích cây ăn quả của huyện khoảng 4.700 ha, trong đó diện tích vải thiều trên 2.200 ha, diện tích cây có múi 822 ha. Kinh tế rừng cũng là thế mạnh của huyện, mỗi năm, Yên Thế trồng mới trên 2.700 ha rừng tập trung, gần 01 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng 40%, khai thác trên 98.000 m3 gỗ, trên 18.000 ste củi, cho thu nhập trên 230 tỷ đồng. Kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển, hiện toàn huyện có trên 500 trang trại, gia trại (trong đó 33 trang trại theo tiêu chí mới); nhiều mô hình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2018, tổng giá trị ngành chăn nuôi ước đạt trên 1.600 tỷ đồng, huyện cũng trở thành điểm sáng về cách làm kinh tế hay, được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập kinh nghiệm.
Từ các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn huyện Yên Thế đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Điển hình như mô hình kinh tế vườn đồi của anh Phạm Văn Thắng (bản Đồng Tân, xã Đồng Vương) với cách làm đổi mới, sáng tạo. Trên tổng diện tích 14 ha đất rừng, anh Thắng chọn trồng các loại cây đặc trưng như trám, sấu, đinh lăng để lấy cây, củ, quả và trồng bạch đàn ở khu vực đồi cao. Anh Thắng cho biết hiện nay mỗi kg củ đinh lăng có giá khoảng 30.000 đồng, sau 3 năm mỗi cây cho thu khoảng 3kg; mỗi ha trồng được 3 vạn cây, như vậy với 1 ha đinh lăng anh có thể thu được đến 900 triệu đồng.
Cũng thoát nghèo và phát triển từ mô hình kinh tế vườn đồi, gia đình anh Đỗ Văn Chiến (thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm) có thể xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống cải thiện, không còn khó khăn như trước. Anh Chiến chia sẻ: “Do sức khỏe yếu nên kinh tế rất khó khăn, gia đình tôi nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ có các chính sách, dự án của huyện triển khai về các hộ nên vợ chồng cùng động viên nhau trồng một số loại cây ăn quả kết hợp chăn gà thương phẩm nên cuộc sống cũng cải thiện, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.
Từ những kết quả đạt được, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Yên Thế tiếp tục nỗ lực, đoàn kết một lòng để công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện tiếp tục nhanh, mạnh và hiệu quả hơn nữa./.
PV