Xã hội
Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc
02:01 PM 11/10/2017
(LĐXH) - Trong 02 ngày 10 – 11/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức hội thảo Tham vấn dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã dự và phát biểu khai mạc hội thảo.

 Việc thực hiện quyền trẻ em là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và có sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em chịu trách nhiệm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao để thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về thực hiện quyền trẻ em; lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em. “Để thực hiện tốt hơn các quyền trẻ em rất cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cũng như các tổ chức xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cảm ơn các tổ chức phi Chính phủ trong nhiều năm qua phối hợp với Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em Việt Nam, từ xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện các quyền trẻ em…Việt Nam hoan nghênh các khuyến nghị của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ để ngày càng thực hiện tốt hơn quyền trẻ em”, Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh. Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho biết, để thực hiện khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch triển khai các khuyến nghị này nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong thực hiện các khuyến nghị của Liên hợp quốc (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo, Quyền Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam Yoshimi Nishino đánh giá, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Đó là việc Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em 2016 với nhiều điều luật mới; Chính phủ Việt Nam thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban. Hay việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.

Báo cáo về tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em nên nêu những khó khăn khi thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam như: Độ tuổi của trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật trẻ em 2016 là chưa theo kịp khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc; hay như cơ chế giám sát độc lập về trẻ em… Và theo bà Yoshimi Nishino, thách thức Việt Nam đang gặp phải là hiện vẫn còn một số trẻ em đang sống trong nghèo đói. Theo chuẩn nghèo đa chiều, trung bình cứ 5 trẻ em lại có 2 em đang sống trong gia đình có thiếu hụt 1 trong số các chiều. Tỷ lệ này cao hơn đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo ước tính, có khoảng 5,5 triệu trẻ em nghèo đa chiều. Một số em phải chịu các hình thức bạo lực bao gồm cả bạo lực gia đình, bạo lực học đường và các hình thức bạo lực khác. “Việt Nam cần đầu tư nguồn lực cho trẻ em nhiều hơn nữa để giải quyết tốt tình trạng này, thực hiện tốt hơn quyền trẻ em”, đại diện UNICEF khuyến nghị.

Theo bản dự thảo báo cáo chi tiết tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của trẻ em giai đoạn 2012 – 2017, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Trong giai đoạn 2012 – 2017, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số đạo luật để hài hòa với Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) và Nghị định thư bổ sung CRC liên quan đến buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và avwn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em và Nghị định thư về việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang. Các nguyên tắc chung là: Không phân biệt đối xử với trẻ em; vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; thúc đẩy thực hiện quyền sinh tồn và phát triển của mọi trẻ em; đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề của trẻ em, Luật trẻ em 2016 đã dành riêng 1 chương để quy định về sự tham gia của trẻ em./.

Trần Huyền