Thời sự
Vai trò của công đoàn trong xây dựng cơ quan đơn vị "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả"
02:40 PM 15/12/2017
(LĐXH)- Ngày 15/12, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Vai trò của công đoàn trong việc xây dựng cơ quan đơn vị theo phương châm "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả".
Tham dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Đào Ngọc Thịnh, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; PGS.TS Mai Xuân Huy – Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn Lâm KHXHVN; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo công đoàn các đơn vị trực thuộc.
Đồng chí Đào Ngọc Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đào Ngọc Thịnh, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ, cho biết: Tại hội nghị cán bộ, công chức viên chức của Bộ Lao động – TBXH vào tháng 3/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã phát động xây dựng cơ quan, đơn vị theo phương châm "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả". Từ đó đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã và đang triển khai thực hiện khá hiệu quả phong trào này. Nhằm thực hiện các phương châm ngày một thiết thực hơn, Hội thảo đã tập trung làm rõ thêm các khái niệm, đặc biệt là xây dựng tiêu chí đánh giá và cùng làm rõ vai trò của tổ chức công đoàn.
Tổ chức công đoàn hiện nay hoạt động theo 4 nguyên tắc: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; liên hệ mật thiết với người lao động; đảm bảo tính tự nguyện của người lao động và tập trung dân chủ. Với các chức năng chính là đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động, giáo dục người lao động học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp. Trong đó, chức năng đầu tiên là chức năng trung tâm và cũng là mục tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Để thực hiện được chức năng này, công đoàn phải tập trung tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động; gắn lợi ích của đoàn viên công đoàn với lợi ích của cơ quan đơn vị. Qua đó, có thể khẳng định công đoàn đóng vai trò quan trọng trong phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị; là nơi lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kịp thời có các giải pháp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; xử lý các tình huống có nguy cơ làm mất đoàn kết nội bộ cũng như góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức.
PGS.TS Mai Xuân Huy phát biểu tại Hội thảo
Theo PGS.TS Mai Xuân Huy, việc làm thế nào để đánh giá một đơn vị đạt được đầy đủ các tiêu chí "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả", trước hết cần phải có sự đoàn kết từ bộ máy lãnh đạo, bao gồm các tổ chức Công đoàn, Chi bộ, Đoàn thanh niên; sự gắn bó giữa các thành viên trong tổ chức từ thấp đến cao theo cả chiều ngang và chiều dọc. Đồng thời, phải là người hiểu biết và thượng tôn pháp luật; có quy chế rõ ràng và minh bạch về nội dung hoạt động của cơ quan như quy chế phối hợp giữa các bộ phận, ban ngành, quy chế chi tiêu nội bộ… Cùng với đó là sự tìm tòi, sáng tạo trong công việc để đạt được hiệu quả như mong muốn. Để làm được điều đó, công đoàn phải thực hiện được chức năng của mình là: Cùng quản lý – Cùng chịu trách nhiệm – Tổ chức, động viên và đại diện xứng đáng cho người lao động trong mọi lĩnh vực hoạt động của cơ quan.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Hội thảo
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên Tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết, mặc dù là đơn vị sự nghiệp với cơ cấu tổ chức bộ máy gọn nhẹ, nhưng không vì thế mà đơn vị xem nhẹ các hoạt động của tổ chức công đoàn. Ngược lại, Công đoàn Tạp chí Lao động và Xã hội luôn tham gia các phong trào thi đua yêu nước; động viên các đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, góp phần xây dựng  và phát triển Tạp chí theo phương châm chỉ đạo của Bộ “"Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả". Đặc biệt, mục tiêu hướng đến của đơn vị luôn đảm bảo 6 nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Lãnh đạo điều hành dân chủ, công khai, minh bạch; Thống nhất hành động trên cơ sở phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực và hoàn cảnh cá nhân; Chân thành góp ý, phê bình và tự phê bình; Quan tâm bồi dưỡng cán bộ; Chia sẻ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần và quan tâm thăm hỏi, giáo dục truyền thống, tri ân.
Đại diện các đơn vị phát biểu tại Hội thảo
Còn theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Công Đoàn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục người lao động thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì tổ chức công đoàn các cấp trong cơ quan Nhà nước căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị mình nhằm khuyến khích, động viên người lao động thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; kết hợp thực hiện vao trò thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ để công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc tuân thủ các quy định, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị. 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Ngoài việc tập trung làm rõ các khái niệm về vai trò, chức năng và quy chế hoạt động của tổ chức công đoàn nói chung, các đại biểu cũng đã thảo luận về vai trò của công đoàn trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đồng chí Đào Ngọc Thịnh, khi người lao động muốn biết được lợi ích của mình có được đảm bảo hay không, họ cần phải được biết, được bàn, được làm… nghĩa là mọi hoạt động của đơn vị phải “công khai, minh bạch, rõ ràng”. Một khi những kiến nghị của họ được giải đáp thỏa đáng, quyền lợi của họ được đảm bảo thì họ mới yên tâm làm việc. Cùng quan điểm này, TS. Trần Ngọc Diễn cho biết, Công đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ, viên chức của các đơn vị sự nghiệp, nhất là tạo điều kiện học tập và nâng cao trình độ cho những cán bộ có năng lực và có nhiều cống hiến ở các đơn vị. Bởi muốn đảm bảo một nguồn nhân lực phát triển theo hướng bền vững, người lao động cần có một nền tảng vững chắc và đảm bảo các tiêu chí chọn lựa, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm… Có như vậy mới góp phần ổn định và đảm bảo đầy đủ các tiêu chí xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” như tinh thần Hội nghị đã đề ra.

Hà Giang