Thời sự
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hòa Bình có nhiều tiềm năng khác biệt
06:26 AM 14/04/2024
(LĐXH)- Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tham gia đoàn công tác có  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo chủ chốt các Sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình…
Phát triển mô hình tập trung đa cực
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong nhiều năm qua.
“Sau hơn 1 năm có chuyến công tác và làm việc tại Hòa Bình cuối tháng 2/2023, tỉnh có 5 điểm hơn: Nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh chuyển biến tích cực hơn; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và các cấp chính quyền tốt hơn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Quang cảnh buổi làm việc
Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở: Hòa Bình còn nhiều dư địa phát triển, song chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp...
Qua theo dõi và nghe báo cáo của tỉnh tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hòa Bình cần xây dựng kế hoạch, thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: Tỉnh cần phát triển theo mô hình tập trung đa cực, 02 hành lang kinh tế và 03 vùng. Trong đó, đô thị Hòa Bình, Lương Sơn đóng vai trò trung tâm; khu vực động lực phát triển phía đông là cầu nối với Hà Nội, vùng trung du và miền núi phía bắc…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Hòa Bình còn nhiều dư địa phát triển
Các hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Đông - Tây (định hướng phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân gôn, ngôi nhà thứ hai và công nghiệp…) và hành lang kinh tế phía Đông (định hướng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, ngôi nhà thứ hai và nông nghiệp sạch).
03 vùng công nghiệp gồm: (i) Vùng ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; (ii) Vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới; (iii) Vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.
Thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".
"Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.
“Hai tăng cường” gồm: (i) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); (ii) Tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua sản xuất kinh doanh, hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng, sản xuất…
“Ba đẩy mạnh” gồm: (i) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm; (ii) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp-dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; (iii) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Hòa Bình cần tập trung vấn đề an sinh trong quá trình phát triển
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu:
Thứ nhất, Hòa Bình luôn phải đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, kết hợp với ngoại lực của cả vùng, của trong nước và quốc tế.
Thứ hai, phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, viễn thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội...), đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, ứng dụng khoa học, công nghệ cao.
Thứ sáu, đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh. Dành nguồn lực cho phát triển con người, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch phát triển trong tỉnh. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số.
Thứ tám, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học; phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ chín, chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Làm tốt công tác sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Hòa Bình phải hết sức chú trọng phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng hạ tầng chiến lược…
Đảm bảo an sinh trong phát triển
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành đã phản hồi các đề xuất, kiến nghị của Hòa Bình liên quan tới triển khai dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá đến Quốc lộ 6 và một số nội dung khác...
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lưu ý: Trong báo cáo của tỉnh, các vấn đề xã hội chưa được đề cập đầy đủ. Cụ thể, bên cạnh việc tập trung vào phát triển kinh tế, giao thông, con người, Hòa Bình cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề an sinh xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long
“Hòa Bình cần khẩn trương ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược, tạo bước ngoặt lớn trong việc đổi mới tư duy và cách tiếp cận chính sách xã hội, chuyển từ cách tiếp cận "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  cho rằng: Tỉnh Hòa Bình cần sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, trường đào tạo, tập trung vào các trường cao đẳng đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo cả cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh việc đào tạo gắn ngành nghề với việc làm nông thôn, tỉnh cũng cần quan tâm chủ động đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, đáp ứng nhu cầu của nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bản mạch điện tử mới được xây dựng tại Hòa Bình, dự kiến nhà máy cần 5.000 lao động khi đi vào hoạt động.
“Với lợi thế lớn về tỷ lệ che phủ rừng cao, Hòa Bình cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng, hiệu quả kinh tế của dịch vụ carbon. Tỉnh cần có kế hoạch đào tạo chứng chỉ, tín chỉ carbon để thu hút đầu tư và tạo nguồn thu cho địa phương. Nếu Hòa Bình chủ động, đi trước đón đầu tôi tin rằng tỉnh sẽ tạo nên bước đột phá rất lớn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Bình vẫn còn cao so với bình quân cả nước. Riêng các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã hỗ trợ tỉnh 106 tỷ đồng để xóa 2.700 căn nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn hơn 1.200 căn nhà tạm, nhà dột nát. Do đó, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh cần tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề này trong 2 năm tới đây.
“Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, Hòa Bình phát triển rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, nhưng đời sống của người dân ở vùng dân tộc thiểu số chưa có nhiều thay đổi...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Cam kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết: Năm 2023, tỉnh đạt và vượt kế hoạch 15/19 chỉ tiêu; đẩy mạnh chuỗi liên kết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách.
An sinh và phúc lợi xã hội được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,09% (từ 12,29% xuống 9,2%); số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 62% tổng số xã.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo (tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%), y tế (tỉ lệ tham gia BHYT đạt 92%), khoa học công nghệ, việc làm đạt kết quả tốt (tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%; năng suất lao động đạt 120,59 triệu đồng/lao động).
Công tác quy hoạch được chú trọng, hoàn thành Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh các dự án hạ tầng. Cải cách hành chính được tích cực triển khai (hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt 97%). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.
Riêng trong quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng tích cực. Các động lực đều đạt mức tăng trưởng cao, nông nghiệp tăng 4,56%, công nghiệp tăng 6,88%, dịch vụ tăng 5,06%, xuất khẩu tăng 32,05%, khách du lịch đạt 1,6 triệu lượt khách.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân quý I đạt 14%, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp ảnh chung
Cuối buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh trong thời gian vừa qua. Trong chuyến làm việc với tỉnh Hòa Bình, các đồng chí trong đoàn công tác đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho tỉnh. Đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây sẽ là "kim chỉ nam” trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời gian tới.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và sẽ triển khai tổ chức thực hiện kịp thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Cam kết rằng, Hòa Bình sẽ quyết tâm, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền với tinh thần đoàn kết thống nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra…” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long phát biểu.

Trần Thắng