Thời sự
Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
06:19 PM 12/04/2024
(LĐXH) – Ngày 11-4, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại tướng Lương Cường phát biểu khai mạc hội thảo

Các đồng chí: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đồng Trưởng ban chỉ đạo; thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Bí thư Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương; tỉnh Điện Biên; các Quân khu, Quân đoàn…dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo khoa học tại Điện Biên Phủ thăm quan triển lãm trong khuôn khổ hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tướng Lương Cường, khẳng định:…Thắng lợi Điện Biên Phủ đã đánh tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Với độ lùi thời gian, chúng ta có điều kiện để nhận thức đầy đủ, chân xác hơn về tầm vóc, ý nghĩa và sức lan tỏa sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ. Chúng ta có quyền khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và để lại những bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu đề dẫn tại hội thảo. 

Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh: “Với ý nghĩa trọng đại đó, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hôm nay trên mảnh đất ghi dấu chiến công “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên, tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Sau 56 ngày, đêm gian khổ, trải qua ba đợt chiến đấu, ngày 7-5- 1954 quân và dân ta đã lập nên chiến thắng hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong nỗ lực gây dựng lại thuộc địa tại Đông Dương.

Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nhân chứng trực tiếp đánh trận Điện Biên Phủ phát biểu tại hội thảo

Kết quả Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, phủ nhận cuộc kháng chiến kiến quốc và sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Qua Hội thảo, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử; rút ra những bài học có giá trị vận dụng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trong đề dẫn hội thảo tiếp tục khẳng định, Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước phát triển đến đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên, ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ. Để đi tới và làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta.

Các đại biểu trao đổi với nhân chứng lịch sử và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại hội thảo

Là nhân chứng trực tiếp đánh Điện Biên Phủ 70 năm trước, đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 (Đoàn Sông Lô) thuộc Đại đoàn 312 kể lại, điều mà ông nhớ nhất chính là Quyết định lịch sử của Bộ Chỉ huy chiến dịch trong giờ phút cuối “Đánh chắc, tiến chắc”.

“Cả đơn vị lúc đầu khó khăn, cán bộ chiến sĩ hỏi nhiều, tôi chỉ trả lời 3 vấn đề: Quyết tâm tiêu diệt địch trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) không thay đổi; tuyệt đối tin tưởng cấp trên; tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh nên kéo pháo ra. Chính quyết định sáng suốt cùng sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp chiến dịch toàn thắng sau 56 ngày, đêm”, ông Tài kể lại.

Tiết mục văn nghệ tại Hội thảo

Hội thảo nghe nhiều ý kiến tham luận, phát biểu của các nhà khoa học nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng ý nghĩa này.

Bế mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Hội thảo đã bổ sung những tư liệu, sự kiện cùng những nhận định, đánh giá quan trọng, khẳng định và làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đồng thời mong muốn, việc sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan tới Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cần tiếp tục thực hiện để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm chiến lược đặc biệt này.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, Hội thảo cùng cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học sẽ tiếp tục được tuyên truyền rộng rãi trên báo chí, phát hành tới các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập có giá trị nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đưa các kết quả nghiên cứu trên được hiện thực hóa đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong thực tiễn.

Nguyệt Hà