Xã hội
Ủy ban Quốc gia về trẻ em chỉ định nhóm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã
06:06 PM 22/03/2019
(LĐXH) - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã tổ chức phiên họp lần thứ 2 với sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng đại diện các thành viên Ủy ban tham dự. Phiên họp nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với trẻ em, việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ trẻ em và thảo luận các nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2019.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị
các Bộ, ngành tập trung thảo luận trọng tâm về vấn đề bảo vệ trẻ em

Sau hơn 1 năm thành lập, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quyền trẻ em; sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trợ giúp xã hội, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ giáo dục, trợ giúp pháp lý, tư vấn, tham vấn. Trong năm 2018, Ủy ban đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra giám sát việc thực hiện quyền trẻ em ở 04 tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về trẻ em tiếp tục được tăng cường. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra, từng bước hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn vào cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Việc thực hiện quyền trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em... được thực hiện thông qua lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các phong trào. Các chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được một số địa phương chỉ đạo, bố trí ngân sách thực hiện. Năm 2019, kinh phí địa phương bố trí cho công tác trẻ em thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 8 tỉnh, thành phố bố trí dưới 500 triệu đồng; 11 tỉnh, thành phố bố trí từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; 18 tỉnh, thành phố bố trí từ 1 tỷ đổng đến dưới 2 tỷ đồng; 20 tỉnh, thành phố bố trí từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; 6 tỉnh, thành phố bố trí từ 5 tỷ đồng trở lên.

Năm 2018, Tổng đài Điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tư vấn 27.407 trường hợp, hỗ trợ can thiệp 806 trường hợp. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tiếp nhận đơn thư công dân và tham gia tư vấn, xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng 41 vụ, trong đó gần 50% số vụ xâm hại trẻ em, hơn 30% vụ tranh chấp về nuôi con, giải quyết các vấn đề về Bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. Năm 2018 vẫn phát hiện 1.356 vụ với 1.479 đối tượng xâm hại 1.358 trẻ em, trong đó có 1.087 vụ xâm hại tình dục, chiếm 80% tổng số vụ xâm hại. Tình trạng tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích vẫn ở mức cao, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước; điển hình như trường hợp 8 em bị đuối nước tại thành phố Hòa Bình xảy ra chiều 21/3. Thực phẩm không an toàn xâm nhập bữa ăn trường học có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em và gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, bất cập lớn nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là thiếu cơ chế phòng ngừa, hỗ trợ, chỉ tập trung can thiệp, xử lý khi xảy ra những vụ việc bức xúc. Bên cạnh đó, ngay cả khi xử lý những vụ việc hình sự xâm hại trẻ em, công tác tuyên truyền, răn đe, tổng kết để sửa đổi những quy định bất cập chưa được quan tâm đúng mức.

Đại diện Bộ Công an cho biết, ngành đã triển khai được mô hình điều tra thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên các vụ án liên quan đến trẻ em diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn khác nhau do vậy nhiều vụ vẫn chưa được áp dụng qui trình điều tra thân thiện với trẻ em. Trước mắt ngành sẽ  đào tạo kỹ năng điều tra thân thiện cho cán bộ điều tra thụ lý vụ việc liên quan đến trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị cần kiểm tra, giám sát,
tập trung vào một số chuyên đề phòng chống đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em

Chủ trì thảo luận về  nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các thành viên tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Trong đó bảo vệ an toàn tính mạng trẻ em là nhiệm vụ cấp bách. Vụ tai nạn đuối nước khiến 8 em học sinh tử vong ở Hòa Bình cho thấy vẫn còn những lỗ hổng trong việc phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Mặc dù chính quyền, các ngành, các cấp đã được phân công trách nhiệm  bảo vệ trẻ em nhưng tại một vị trí nguy hiểm như dòng sông Đà, biển cảnh báo tai nạn đuối nước lại bị bỏ quên. Điều này cho thấy, các ngành, các cấp chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em. Bên cạnh đó trẻ em còn cần phải được bảo vệ khỏi các nguy cơ bạo lực, xâm hại tình dục. Do vậy nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban trong năm 2019 cần tập trung vào những vấn đề thiết thực với trẻ em mà xã hội quan tâm nhiều nhất. 

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em đã có tương đối đầy đủ. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất rõ ràng, trách nhiệm các ngành đã được phân định rõ vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào, công tác xử lý vụ việc ra sao để  đảm bảo kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, hỗ trợ trẻ em tốt nhất.

Để thực hiên tốt nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định cần xây dựng nhóm công tác bảo vệ trẻ em tại cấp xã, phường, đồng thời chỉ định đầu mối gồm các thành viên: ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và cộng tác viên Dân số KHHGD. Các cơ quan này sẽ là  nhóm hạt nhân cùng nhau ký một văn bản hướng dẫn các địa phương cùng cập nhật mạng lưới người làm công tác trẻ em. Đội ngũ cộng tác viên lên tới hàng chục ngàn người làm công tác trẻ em từ đó hướng dẫn, xử lý các vụ việc về bảo vệ trẻ em. “Với ít nhất 4 người/nhóm chúng ta sẽ có hơn 40.000 người được tập huấn, cập nhật số liệu, phản ánh các vụ việc lên hệ thống cơ sở dữ liệu. Đồng thời kêu gọi các tổ chức xã hội, mạng xã hội tham gia vào để hình thành mạng lưới vừa vận động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vừa hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có vụ việc xảy ra thì làm thế nào, phải ánh ra sao”, Phó Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu tổ chức một số hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thảo luận những vấn đề mới như mô hình điều tra thân thiện, toà án trẻ em…

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các thành viên tập trung vào công tác phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em,  phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục  trẻ em. Đổi mới hình thức truyền thông bảo vệ trẻ em bằng các clip hoạt hình, tiểu phẩm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em và gia đình trên mạng xã hội. Trong thời gian tới, Uỷ ban và các bộ ngành thành viên cần chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn các vụ bạo hành ở nhóm trẻ mẫu giáo, tiểu học; tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục ở bậc THCS, THPT; ngành công an lưu ý tình trạng sử dụng chất hướng thần gây nghiện trong một bộ phận học sinh.

Nguyễn Đăng Doanh