Xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ
12:13 PM 01/11/2022
(LĐXH) - Trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; sự phối hợp các phòng chuyên môn cùng sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh xác định rõ nhiệm vụ chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tận tâm, trách nhiệm
Là đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế,  Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiền thân là Trại tâm thần kinh Kim Long được thành lập theo Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 07/10/1986 của UBND tỉnh Bình Trị Thiên với chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng, kết hợp điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật thần kinh tâm thần. Đến năm 1993, Trại tâm thần kinh Kim Long đổi tên thành Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần và được giao thêm nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chữa bệnh và dạy nghề cho đối tượng mại dâm, ma túy; năm 2003 được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ xã hội, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và tiếp tục duy trì hoạt động cho đến nay với chức năng nhiệm vụ: Tiếp nhận - Quản lý - Nuôi dưỡng - Phối hợp điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng về thần kinh tâm thần; Giáo dục - Chữa bệnh - Cai nghiện - Dạy nghề cho người nghiện ma túy.
Tặng quà cho đối tượng khuyết tật là người cao tuổi
Trải qua 36 năm hình thành và phát triển, cấp ủy, Ban lãnh đạo Trung tâm luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật thần kinh tâm thần và học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù điều kiện khó khăn đến đâu thì đội ngũ cán bộ,viên chức và người lao động Trung tâm cũng luôn làm việc bằng tình thương, trách nhiệm và sự tận tâm.
Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trung tâm hiện đang quản lý 36 học viên cai nghiện ma túy, trong đó có 35 học viên cai nghiện bắt buộc, 01 học viên cai nghiện tự nguyện. Năm 2021, đơn vị đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 71 học viên. Số học viên cai nghiện ma túy tiếp nhận mới trong năm 40 lượt người, bao gồm: 36 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án (trong đó có 02 học viên thuộc diện không có nơi cư trú ổn định chuyển sang) và 04 học viên cai nghiện chữa trị tự nguyện. Trong đó, có 30 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện đã tái hòa nhập cộng đồng (gồm 26 học viên bắt buộc và 04 học viên tự nguyện); 03 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc chấp hành án tù, thanh lý hợp đồng trước thời hạn 02 học viên cai nghiện tự nguyện.
Trong năm qua, đơn vị còn tiếp nhận mới 27 người tâm thần vào nuôi dưỡng phối hợp điều trị, trong đó có 02 người tâm thần lang thang, 24 người tâm thần gia đình xin vào, 01 người tâm thần nuôi dưỡng dịch vụ. Giảm 19 người tâm thần, trong đó hòa nhập cộng đồng 06 người, tử vong do bệnh tật và già yếu 12 người, thanh lý hợp đồng dịch vụ 01 người. Hiện nay, số người tâm thần hiện đang nuôi dưỡng quản lý tại Trung tâm là 494 người.
Riêng trong 06 tháng đầu năm 2022, đơn vị tiếp nhận mới thêm 12 người khuyết tật thần kinh tâm thần bao gồm: 11 người khuyết tật thần kinh tâm thần gia đình xin vào, 01 người khuyết tật thần kinh tâm thần dịch vụ; 11 học viên cai nghiện ma túy bao gồm: 09 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định của Tòa án và 02 học viên cai nghiện ma túy chữa trị tự nguyện. Cùng với đó, tổ chức hòa nhập cộng đồng cho 25 học viên cai nghiện ma túy chấp hành xong Quyết định trong đó có 24 học viên cai nghiện bắt buộc được lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Huế xét giảm về trước thời hạn.
Nhằm thăm khám định kỳ, lên phác đồ điều trị cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy, đội ngũ cán bộ y tế sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy hàng ngày, họp chuyên môn y tế để đánh giá và đề xuất hướng điều trị người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy. Thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời bồi dưỡng cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy suy kiệt và một số bệnh lý khác. Đối với số người tâm thần vượt quá khả năng điều trị thì chuyển lên tuyến trên để khám và điều trị. Phối hợp các bệnh viện chuyên khoa tổ chức thăm khám cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm. Năm 2021, Trung tâm chuyển về bệnh viện tâm thần Huế điều trị nội trú 71 lượt người tâm thần. Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 102 lượt người tâm thần, xét nghiệm tiểu đường hàng tháng cho 24 lượt người, chuyển 20 lượt người tâm thần có bệnh lý nền đi khám và theo dõi điều trị...
Trong năm qua, đơn vị đã tổ chức các lớp nghề như: may công nghiệp, đan ghế, đan lưới, thêu nón, làm nghề hàng mã, làm hương, chăn nuôi heo thịt, heo rừng, bò, gà, vịt, dê, trồng rau, làm nấm, giá đỗ, khuôn đậu. Thông qua các hoạt động này vừa tạo niềm vui, nâng cao sức khỏe và tạo việc làm cho hơn 300 người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tổ chức hòa nhập cộng đồng cho 25 học viên cai nghiện ma túy chấp hành xong Quyết định trong đó có 24 học viên cai nghiện bắt buộc được lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Huế xét giảm về trước thời hạn. Đến nay, đơn vị vẫn duy trì các lớp làm nghề hàng mã, thêu nón, làm hương, may công nghiệp, đan ghế, đan lưới cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy. Ngoài ra, tổ chức cho người tâm thần tham gia chăn nuôi heo thịt, heo rừng, bò, gà, vịt, dê, trồng rau, làm nấm, giá đỗ, khuôn đậu nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày.
Tổ chức ngày 20.11.2022 tại Trung tâm
Đặc biệt, hưởng ứng tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chung tay chăm sóc Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”, mới đây Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tổ chức buổi gặp mặt Người khuyết tật thần kinh tâm thần cao tuổi và tặng quà, mừng thọ, chúc thọ Người khuyết tật thần kinh tâm thần 70 tuổi, 75 tuổi đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm. Hiện tại Trung tâm có 64 Người khuyết tật thần kinh tâm thần cao tuổi trong tổng số hơn 500 Người khuyết tật thần kinh tâm thần đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm. Phần lớn Người khuyết tật thần kinh tâm thần cao tuổi tại Trung tâm đã già yếu, nhiều bệnh nền, không có thân nhân hoặc thân nhân không đủ điều kiện chăm sóc, thăm gặp thường xuyên. Người khuyết tật thần kinh tâm thần cao tuổi xem Trung tâm như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Trung tâm luôn quan tâm, động viên, khích lệ về mặt tinh thần và vật chất tạo động lực mạnh mẽ để Người khuyết tật thần kinh tâm thần cao tuổi phấn chấn tinh thân, yên tâm hơn trong quá trình chăm sóc, điều trị và phục hồi tại Trung tâm…
Đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ
Nhằm giúp các đối tượng được ổn định bệnh lý, bên cạnh duy trì uống thuốc đều đặn theo đúng phác đồ điều trị, Trung tâm còn chú trọng công tác phục hồi chức năng, hướng dẫn các đối tượng tự vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng. Tại các khu vực đã bố trí các phòng tập phục hồi chức năng cho người tâm thần rộng rãi, thoáng mát với các trang bị thiết bị gồm có máy tập chạy bộ, xe đạp, bàn bi lắc. Tổ chức phòng tập gym cho học viên cai nghiện ma túy. Đến nay hoạt động này trở thành thói quen, người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy rất tích cực tham gia.
Học viên tại Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế
Không chỉ làm tốt công tác điều trị và chăm sóc, công tác nuôi dưỡng đối tượng cũng được quan tâm từ khâu lương thực, thực phẩm, kỹ thuật chế biến, nấu nướng đảm bảo chất lượng bữa ăn phù hợp với điều kiện hiện tại, đảm bảo đúng, đủ khẩu phần ăn cho từng người bệnh và đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày... Hiện đơn vị đang thực hiện chế độ của đối tượng đúng theo quy định, thực hiện mức ăn mới 1.440.000 đồng/đối tượng/tháng. Từ việc làm tốt công tác điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng trong thời gian qua đã cải thiện, nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho người bệnh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Trung tâm cũng luôn chú trọng đến công tác xử lý môi trường trong và ngoài khu vực ở của người tâm thần và học viên cai nghiện ma túy. Thường xuyên khử khuẩn đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên chú trọng công tác vệ sinh phòng ở, khu vực ở, vệ sinh thân thể; cắt tóc, cạo râu, tắm giặt hàng ngày cho người tâm thần; sắp xếp đồ dùng sinh hoạt hợp lý, gọn gàng tại phòng ở, khu vực ở. Đồng thời, duy trì có hiệu quả Tổ tự quản người tâm thần trong mỗi khu vực ở của người tâm thần (mỗi khu vực từ 15 đến 20 người tâm thần ổn định cả về sức khỏe và tâm lý) để hỗ trợ, giúp đỡ cho các người tâm thần khác trong khu vực, đảm bảo tình hình, ổn định trật tự tại khu vực và chăm sóc cây cảnh, dọn dẹp vệ sinh và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; hỗ trợ cán bộ chế biến thức ăn; hỗ trợ việc chăm sóc người khuyết tật thần kinh tâm thần nặng hơn...
Học viên tại Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế
Hiện nay, đơn vị đang nuôi dưỡng và điều trị cho cho 500 người tâm thần và 40 học viên cai nghiện ma tuý. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đang thiếu cán bộ y tế chuyên ngành có trình độ đại học để để chăm sóc, phục hồi chức năng cho các nhóm đối tượng này, cùng với đó là thiếu hụt số lượng lớn đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Với tình trạng người tâm thần và các đối tượng ma tuý có xu hướng ngày càng tăng, cần có phương pháp chăm sóc và giáo dục riêng biệt, Trung tâm Bảo trợ xã hội cũng đã kiến nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, quan tâm bổ sung biên chế đảm bảo cán bộ thực hiện nhiệm vụ đủ theo định mức quy định và hạn chế biệt phái viên chức của Trung tâm.

Hà Giang