Xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai: Xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho đối tượng
11:34 AM 22/11/2022
(LĐXH)- Mặc dù công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn song Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai cũng đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường nhằm xây dựng một môi trường sống trong lành, xanh, sạch, đẹp cho đối tượng.

Hệ thống cơ sở vật chất, khuôn viên Trung tâm được quy hoạch, xây dựng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc đối tượng
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai được thành lập với chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, hướng nghiệp nghề cho các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi; chăm sóc người già, người lang thang, tâm thần. Trung tâm trở thành mái ấm của những mảnh đời bất hạnh.  
Bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Trung tâm đang chăm sóc 131 đối tượng gồm: 54 trẻ mồ côi (3 trẻ dưới 3 tuổi), 7 trẻ khuyết tật, 35 người tâm thần và 35 người già (10 người già nằm một chỗ, không tự chăm sóc được). Việc quản lý, chăm sóc các đối tượng rất vất vả vì nhiều trường hợp phải chăm sóc toàn diện từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện vệ sinh cá nhân.  
Những người trực tiếp chăm sóc ngoài cái tâm dành cho người kém may mắn, họ còn được trang bị kỹ năng chăm sóc, kiến thức chuyên môn nhất định. Trung tâm hiện có 12 nhân viên nữ chăm sóc trực tiếp cho các đối tượng, trong đó 6 cô phụ trách quản lý, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và 6 cô chăm sóc đối tượng tâm thần, người già. Vất vả nhất là các chị phụ trách chăm sóc đối tượng tâm thần vì nhiều lúc họ lên cơn trong vô thức không làm chủ được bản thân. Các viên chức, người lao động tại Trung tâm thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ với các cô để giảm bớt áp lực công việc. Chúng tôi còn nhờ những người có chuyên môn huấn luyện cho các cô một số kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trong quá trình chăm sóc các đối tượng tâm thần”-bà Đào cho biết.
Môi trường sống của đối tượng tại Trung tâm sạch sẽ, thoáng mát
Gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh 10 năm nay, chị Phạm Thị Huệ (nhà số 4, phụ trách chăm sóc 20 trẻ mồ côi) đã có một khoảng thời gian khó khăn để thích ứng với công việc. Chị kể: Khi vào làm việc, chị xác định sẽ vất vả nên luôn cố gắng để chăm sóc tốt nhất cho các cháu. Chị và một chị nữa phụ trách chăm sóc trẻ, mỗi em mỗi tính cách, phải luôn quan sát, theo dõi nắm bắt tâm lý để có cách giáo dục phù hợp, nhất là với các em đang tuổi dậy thì. “Các em thiệt thòi, thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm chăm sóc và xem như con cái trong gia đình. Cảm nhận điều đó nên các em hợp tác tốt với các cô, có điều gì vướng mắc đều tâm sự, nói ra để cùng giải quyết”-chị Huệ chia sẻ.
Nhờ sự chăm sóc của các cô nuôi, nhiều trẻ mồ côi dần vượt qua sự mặc cảm, tự ti để hòa đồng với tập thể. Em Kpuih Tri (17 tuổi, nhà số 4) bộc bạch: “Con vào Trung tâm đã được 8 năm. Con được các cô quan tâm chăm sóc rất tận tình, chu đáo nên con xem các cô như người thân trong gia đình. Có chuyện vui buồn gì con cũng đều tâm sự với các cô”. 
Theo bà Đào, việc chăm sóc người già, người tâm thần vô cùng vất vả. Người già nhiều lúc trái tính trái nết, không ưng việc gì là bất hợp tác thậm chí la mắng, quát tháo các cô nuôi. Với người tâm thần nhiều lúc lên cơn kích động nhìn người chăm sóc thành ra kẻ thù nên rượt đánh… Dẫu vậy, bằng cái tâm, bằng tình yêu thương, các cô nuôi vẫn nhẫn nại, trách nhiệm và hết lòng chăm sóc họ.  
Chị Trần Thị Thùy Linh-Phụ trách khu chăm sóc người già, người tâm thần cho hay: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công tác xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2013, chị về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Việc nhiều, vất vả, nặng nhọc nhưng lương hàng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Dẫu vậy, chị tâm niệm còn sức khỏe là còn gắn bó với công việc, bởi muốn chia sẻ, giúp đỡ những phận đời kém may mắn. “Khu tôi phụ trách có 10 cụ già nằm một chỗ phải chăm sóc toàn diện từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Người già nhiều lúc rất khó chiều, có cụ ăn ít quá mình cố ép ăn thêm thì bị mắng, có cụ còn phun cả thức ăn vào người. Hay lúc tắm rửa, các cụ không vừa lòng là hất cả nước bẩn vào mặt. Đối với các đối tượng tâm thần, khi vào khu vực này, chúng tôi phải chia người canh cửa phòng khi có tình huống bị rượt đánh. Một số người làm việc tại đây đã không thể gắn bó lâu dài vì không chịu được vất vả, cực nhọc”-chị Linh kể. 
Bên cạnh đó, Trung tâm làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ ngoài cộng đồng; Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị xâm hại tình dục... về vật chất, pháp lý, kết nối với các tổ chức để bảo vệ quyền lợi cho trẻ; đồng thời, liên kết với một cơ sở đào tạo nghề để hỗ trợ cho một số em học nghề. 
Nhận xét về bộ phận chăm sóc trực tiếp các đối tượng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Người ta có câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, muốn biết các cô làm việc ra sao cứ hỏi các trẻ mồ côi, các cụ già nơi đây là biết. 5 năm đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm, bà chưa nghe điều tiếng, phàn nàn gì về thái độ chăm sóc của các cô nuôi. “Tuy nhiên, 12 cô trực tiếp chăm sóc các đối tượng hiện nay chỉ mới là lao động hợp đồng, ngoài lương không có chế độ phụ cấp nào khác. Sắp tới, Trung tâm có 14 chỉ tiêu viên chức, tôi mong ngành chức năng quan tâm xét tuyển dụng để họ yên tâm làm việc lâu dài”-bà Đào kiến nghị.​
Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường. Cán bộ, nhân viên trung tâm cùng các đối tượng thường xuyên vệ sinh phòng ở, khu vực ở, vệ sinh thân thể; cắt tóc, cạo râu, tắm giặt hàng ngày cho những đối tượng không tự sinh hoạt cá nhân được; sắp xếp đồ dùng sinh hoạt hợp lý, gọn gàng tại phòng ở, khu vực ở. Thường xuyên tuyên truyền cho đối tượng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh nơi ở, tạo không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Trung tâm cũng chú trọng trồng cây xanh tạo bóng mát trong khuôn viên đơn vị thông qua việc phát động trồng cây đến các đoàn thể, Chi hội; phân công Công đoàn thường xuyên duy trì triển khai hoạt động “Ngày Chủ nhật Xanh”, làm sạch đường phố từ cổng khu vực dân cư vào Trung tâm; Bố trí thừng đựng rác thải phân khu theo từng khu vực; Hàng tuần còn xử lý khuôn viên đơn vị bằng chất khử khuẩn clomin B, dung dịch khử côn trùng, ruồi muỗi và xử lý mùi tại các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, Trung tâm cũng xây dựng hầm chứa xử lý nước thải theo phần tầng, xung quanh các khu vực ở, nhà bếp có hệ thống rãnh, mương thoát nước, dẫn ra các hầm chứa xử lý và theo hệ thống dẫn ra ngoài cơ quan. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, đường nội bộ được bê tông hóa đồng bộ; panô, khẩu hiệu được bố trí hài hòa cũng góp phần tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho đối tượng./.
 
Hồng Phượng