Thời sự
TPHCM: Triển khai Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hồ Chí Minh đến năm 2025
09:28 AM 30/05/2020
(LĐXH) - Ngày 29/5/2020, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Thông Tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP cho biết, thành phố là một trong những địa phương triển khai quyết liệt Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, giám đốc Trung tâm Báo chí TP phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, ngày 22/5/2020 UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 1786/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí TP Hồ Chí Minh gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã xác định không cơ quan báo chí nào bị xóa tên khi xây dựng Đề án  này mà chỉ đổi cơ quan chủ quản mới; hoặc chuyển đổi từ báo in sang Tạp chí nhưng vẫn giữ nguyên tên báo đang hoạt động.

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 28 cơ quan báo chí thuộc đối tượng phải sắp xếp lại trong giai đoạn tới: 16 cơ quan báo in, 10 Tạp chí in, 1 Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, 1 Đài tiếng nói nhân dân thành phố, 1 báo Công An - thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Công an.

Theo ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở TTTT TP HCM, khi thực hiện phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện, thành phố có đánh giá kỹ lưỡng về hiện trạng của báo chí TPHCM hiện nay cũng như về lộ trình thực hiện sắp xếp phù hợp.  Cụ thể thành phố sẽ thực hiện sắp xếp gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020. Sau khi sắp xếp, sẽ còn 19 cơ quan báo chí, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 7 báo (2 báo Tôn Giáo), 10 Tạp chí; giảm 8 cơ quan báo chí nhưng chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin. Trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh sẽ giữ ổn định 1 cơ quan là báo Sài Gòn Giải phóng; chuyển cơ quan chủ quản 6 cơ quan báo chí. Trong đó, báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh do Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản; báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh do UBND TP Hồ Chí Minh làm chủ quản mới; báo Công Giáo và Dân Tộc thuộc Ủy ban đoàn kết Công giáo thành phố; báo Giác Ngộ thuộc Thành hội Phật giáo thành phố.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Giai đoạn 2: Từ 2021 đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu xắp xếp lại báo chí để xây dựng một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các cơ quan báo chí Thành phố nhanh chóng ổn định hoạt động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt xây dựng kế hoạch hoạt động theo yêu cầu mới. TP HCM là sẽ tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách để thí điểm xây dựng một cơ quan báo chí TP HCM chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, đảm bảo yêu cầu thực hiện tuyền truyền nhiệm vụ chính trị, có vai trò định hướng thông tin, tạo đồng thuận trong xã hội.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan, báo đài của thành phố cũng đề nghị thành phố cho lùi thêm thời gian để các đơn vị xây dựng phương ánsắp xếp và chuyển đổi mô hình hoạt động, nhất là công tác sắp xếp nhân sự hiện nay.

Đóng góp ý kiến với hội nghị, đại diện lãnh đạo một số tạp chí của thành phố cũng ủng hộ Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025, trong đó quan điểm không “xóa sổ” một cơ quan báo chí nào. Cụ thể, trước sắp xếp thì có 28 cơ quan báo chí thành phố đang hoạt động (16 báo in, 10 tạp chí, 1 đài truyền hình, 1 đài tiếng nói).

Ngoài báo Công an TP HCM thực hiện sắp xếp theo đề án của Bộ Công an thì sau sắp xếp lại, UBND TP HCM chỉ thực hiện giảm 8 cơ quan báo chí. Tuy nhiên, các cơ quan này không bị giải thể mà chỉ là chuyển hình thức và chuyển cơ quan chủ quản, trong đó có 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin.

Tại hội nghị, Đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông  đánh giá, việc TP HCM không xóa bỏ một cơ quan báo chí nào, trên cơ sở sắp xếp, bố trí, quản lý hợp lý sau sắp xếp là một trong những điểm rất hay để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm.

Ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cho rằng:  Quá trình quy hoạch báo chí của thành phố thời gian qua thu hút sự quan tâm rất lớn trong đội ngũ của những người làm báo nói riêng và là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã tổ chức ba cuộc họp để góp ý cho đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP đến năm 2025. Việc quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với đề án là rất cao và cũng đặc biệt chú ý công tác sắp xếp do đây là vấn đề chưa có tiền lệ, cố gắng không phải để “xóa sổ” một cơ quan báo chí nào sau sắp xếp.

Sau khi ban hành đề án, UBND TP HCM sẽ lập tổ công tác để làm việc với từng cơ quan báo chí ngay sau Hội nghị triển khai đề án này. Đồng thời, trong thời gian tới đây các cơ quan chủ quản cần rà soát lại quy chế lãnh đạo để xây dựng nội dung sắp xếp cho phù hợp. Trong đó, cập nhật bổ sung quy chế quản lý để thực thi trách nhiệm cơ quan chủ quản theo mô hình mới sau sắp xếp.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có 161 cơ quan báo chí trung ương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh; 28 cơ quan báo chí của địa phương (gồm 16 báo, 1 đài truyền hình, 1 đài tiếng nói nhân dân và 10 tạp chí).

Vương Linh