Xã hội
Thuận Châu quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng
02:18 PM 20/08/2018
(LĐXH)- Thuận Châu là huyện giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Sơn La, nhiều tập thể và cá nhân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện hiện có 3.250 gia đình có công với cách mạng; trong đó, 407 gia đình liệt sĩ; 150 thương binh, 29 bệnh binh; 30 người hưởng chế độ chất độc hóa học, 2.893 người hoạt động kháng chiến...
Phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Châu đã xác định công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm lớn lao, vừa là tình cảm sâu sắc, đạo lý cao cả, thắm đượm nghĩa tình với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Hàng năm, nhất là vào dịp tết và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, huyện Thuận Châu đều thành lập các đoàn thăm hỏi, tặng quà các đối tượng thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn. Ngoài việc chuyển quà của Chủ tịch nước, của tỉnh Sơn La, UBND huyện đã trích một phần kinh phí, thành lập các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà tại một số gia đình chính sách người có công.
Lãnh đạo huyện Thuận Châu tặng quà gia đình người có công với cách mạng của xã Pá Lông
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hằng năm, huyện đều có kế hoạch thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phù hợp với điều kiện của địa phương. Chỉ tính 5 năm gần đây, Thuận Châu đã huy động gần 900 triệu đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết, khi ốm đau, hoạn nạn.
Nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với người có công với cách mạng và gia đình chính sách, huyện Thuận Châu còn thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đầy đủ kịp thời các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về công tác này; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác người có công ở xã, thị trấn, trưởng ban mặt trận thôn, bản, đồng thời sao gửi đầy đủ các văn bản do Nhà nước ban hành xuống tận cơ sở để công khai cho các đối tượng. Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời việc cắt giảm chế độ khi đối tượng bị chết hoặc di chuyển đi nơi khác. Đến nay, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp một lần cho 361 đối tượng của 11 xã theo Quyết định 49/QĐ-TTg và Quyết định 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế với kinh phí trên 738 triệu đồng.
Theo báo cáo của Phòng Lao động – TBXH, đến nay, huyện Thuận Châu đã cơ bản hoàn thành việc rà soát chính sách người có công cũng như xóa xong nhà ở tạm bợ, dột nát cho gia đình chính sách. Đồng thời, kêu gọi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với đất nước. Riêng thực hiện Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thuận Châu đã có 1.766 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ xây mới và tu sửa nhà, với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng.
Không chỉ thực hiện nghiêm túc các chế độ ưu đãi, chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công theo quy định, nhiều đơn vị, tổ chức ở Thuận Châu còn làm tốt việc tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các đối tượng người có công với cách mạng, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách hoặc tạo điệu kiện vốn để phát triển sản xuất; thường xuyên theo dõi bệnh tật để khám và cấp thuốc, điều trị kịp thời, thực hiện tốt chế độ chăm sóc điều dưỡng tốt tại gia đình. Những hoạt động đó được coi là nguồn động viên thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo không khí phấn khởi cho các đối tượng, góp phần cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất cho gia đình có công với cách mạng.

Chí Tâm