Thời sự
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Phát động phong trào thi đua ngành Lao động – Thương binh và Xã hội
05:35 PM 25/01/2024
(LĐXH)- Ngày 25/1/2024, tại Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2023, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tạp chí Lao động và Xã hội xin trích đăng nội dung bài phát biểu phát động của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng:
Năm 2023, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực rất lớn của các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, sự hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo các địa phương, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, trong 19 chỉ tiêu  Quốc hội và Chính phủ giao cho Bộ, về cơ bản các chỉ tiêu của chúng ta đã đạt và hoàn thành, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt kết quả rất cao.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Chủ tịch Công đoàn Bộ Hoàng Thị Thu Huyền ký kết giao ước thi đua
Đặc biệt với chuỗi các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, là dấu ấn lớn của chúng ta. Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, tặng quà, động viên các thương bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh cả nước. Việc này đã thành thông lệ và dịp Tết Giáp Thìn tới đây, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước như thường lệ sẽ tiếp tục đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các Hội nghị sơ kết và tổng kết ngành cũng đã diễn ra thành công tốt đẹp với quy mô lớn, có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo vào cuối tháng 12.
Bên cạnh những thành công, tôi thấy chúng ta cũng cần thẳng thắn xem xét, đánh giá lại những hoạt động của năm 2023 vừa qua để từ đó có phương hướng đúng đắn, khắc phục những tồn đọng, hạn chế trong năm trước và làm tốt hơn trong những năm tới.  
Thứ nhất, tập trung và nỗ lực cao nhất để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về xây dựng thể chế, trọng tâm là trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, trình Quốc hội Luật Việc làm (sửa đổi) và các nghị định, thông tư. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của các cơ quan có liên quan, chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến độ các văn bản, đề án được giao.
Thứ hai, thực hiện tốt chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thực hiện số hóa một cách đồng bộ, hiệu quả trong hệ thống chính sách an sinh xã hội nhằm tăng cường quản lý, giám sát đánh giá các chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Thứ ba, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành. Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành. Xây dựng các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu với nhau và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính - ngân sách; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước được giao và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Thứ sáu, tiếp tục củng cố, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, tăng cường mối quan hội phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác giữa các đơn vị với nhau, giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ; thúc đẩy việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện để tổ chức công đoàn và Đoàn thanh niên tham gia thực hiện, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị; từng bước cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thàn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chính phủ đã chọn chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành. Năm nay, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, thách thức rất nhiều, sức ép đối với Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ vô cùng lớn, buộc chúng ta phải hành động hết sức quyết liệt.
Cuối cùng, dịp Tết Nguyên đán đang tới gần cho nên các đồng chí phải chăm lo Tết Giáp Thìn thật tốt ở đơn vị mình, toàn ngành và cả xã hội với tinh thần bình an, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm./.