Xã hội
Tân Lang điểm sáng trong chăm sóc người có công ở Phù Yên
02:30 PM 27/10/2017
(LĐXH)- Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xã Tân Lang, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) luôn gắn với các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tri ân, hỗ trợ, chăm lo tốt về mặt đời sống vật chất, cũng như tinh thần cho các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Xã Tân Lang là địa phương đầu tiên đạt danh hiệu xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ và được coi là điểm sáng trong công tác này tại huyện Phù Yên với 100% gia đình người có công với cách mạng đã có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, trong đó có khoảng 20% gia đình có mức sống khá giàu. Bên cạnh việc thực hiện đúng chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Tân Lang còn phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” qua các hoạt động chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và giúp đỡ người có công với cách mạng làm nhà ở. Đến nay, nhà ở của gia đình chính sách và người có công đã cơ bản ổn định, không còn nhà tranh tre vách đất tạm bợ, dột nát; toàn xã có 3 gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở từ nguồn ngân sách của Nhà nước theo Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thương binh Lê Hồng Tân ở xã Tân Lang có mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Lang cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng đến tất cả các đoàn thể chính trị xã hội, các thôn, bản và các hộ dân. Mục tiêu của xã đề ra là tất cả các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn đều được các tổ chức đoàn thể nhận hỗ trợ, giúp đỡ, vận động hội viên đóng góp ngày công lao động thu hoạch mùa vụ, sửa chữa nhà ở, chăm sóc người có công lúc ốm đau, hiếu hỷ. Ngoài ra, các gia đình chính sách cũng được hỗ trợ vay vốn ngân hàng thông qua các kênh tín chấp phát triển sản xuất kinh doanh; các gia đình đình thương, bệnh binh và người có công được miễn, giảm thuế nhà đất, thủy lợi phí, chia ruộng gần, tạo điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo. Trước sự quan tâm, chăm sóc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, các đối tượng thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tự lực vượt khó vươn lên trong sản xuất kinh doanh và tạo việc làm ổn định cuộc sống.
Điển hình trong số những gia đình chính sách, người có công ở Tân Lang đã phát huy bản chất anh bộ đội cụ Hồ, vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giàu phải kể đến thương binh Lê Hồng Tân (sinh năm 1952), trú tại trung tâm xã Tân Lang. Ông Tân là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, gia đình ông đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả. Nhờ vậy, 5 năm trở lại đây, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể, trung bình mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập 150 triệu đồng. Thương binh hạng ¼ Hoàng Liên Sơn (sinh năm 1954), trú ở bản Sông Mưa. Từ nguồn tích lũy và vay vốn ngân hàng, gia đình ông Sơn đầu tư nuôi gà đen, chồn và mở của hàng tạp hóa, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng…
Trao đổi về định hướng công tác chăm sóc người có công, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Lang, cho biết thêm: Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng các phong trào tình nghĩa, tạo hiệu quả thiết thực để chăm sóc đời sống của các hộ chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Trong đó, đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa chăm sóc các đối tượng nhằm huy động thêm nguồn lực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Trước mắt là kế hoạch tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách và người có công nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc 2018.

Chí Tâm