Xã hội
Sơn La: Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ
04:06 PM 26/05/2020
(LĐXH) Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành dân số. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cả một quá trình tuyên truyền vận động tại các địa phương, ban, ngành liên quan...
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La, quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được thể hiện rõ trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về giới trong sóc sức khỏe cho phụ nữ và thực hiện công tác DS/KHHGĐ; vận động nam giới và nữ giới áp dụng các biện pháp tránh thai, tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ biết cách CSSK cho bản thân, gia đình và hưởng ứng các chiến dịch CSSK ban đầu, vệ sinh phòng dịch.
Sở Y tế chỉ đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh triển khai các hoạt động lồng ghép các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp vào công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, cụ thể như: Triển khai Mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tư vấn tiền hôn nhân triển khai tại 35 xã và 12 điểm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú của tỉnh; Triển khai Mô hình thí điểm "Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” thông qua tổ chức các hoạt động tại 04 xã (Mường Sang, Đông Sang, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc), 04 trường THPT và THCS của huyện Mộc Châu về: Bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thành lập câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu tại 04 trường, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề. Xây dựng 4 câu lạc bộ trẻ em gái tiêu biểu, 4 góc sinh hoạt dành cho trẻ em gái tại 01 trường THPT và 03 trường THCS. Hàng năm tổ chức tuyên truyền và ký cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi, không sinh con thứ 3 trở lên cho các cặp vợ chồng trẻ.
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về giới trong sóc sức khỏe cho phụ nữ là việc làm được tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng
Triển khai Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Xác định đây là chính sách rất ưu việt và trước thực trạng phụ nữ nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn khi sinh con, nhất là thiếu thốn về kinh tế, phát sinh nhiều khoản chi khi sinh con trong khi sức khỏe của người mẹ chưa được phục hồi, chưa thể làm được những công việc lao động thường ngày để có thu nhập và tạo điều kiện cho bà mẹ phục hồi sức khỏe nuôi con tốt. Năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số là 950 người.
Thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016­- 2025, tỉnh Sơn La đã tổ chức chiến dịch truyên truyền và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Ngày tránh thai Thế giới 26/9; Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10; Tổ chức tư vấn tại điểm truyền thông của 204 xã, phường, thị trấn, với các nội dung: Tư vấn trực tiếp và tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Bình đẳng giới, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các cặp vợ chồng mới kết hôn, gia đình sinh con một bề... Tổ chức tư vấn, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính tại 204 xã và sinh hoạt tại 1.042 bản đặc biệt khó khăn. Nêu cao ý thức trách nhiệm của các cặp vợ chồng, ông bà, cha mẹ về thực hiện Luật Bình đẳng giới, không trọng nam khinh nữ, lựa chọn giới tính thai nhi; Duy trì và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu tại 24 trường THPT thuộc 12 huyện, thành phố... Năm 2019, đã thành lập mới 10 câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu tại 10 trường THPT thuộc 06 huyện, thành phố; Tổ chức Hội nghị gặp mặt gia đình sinh hai con gái tiêu biểu nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới...
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, đến nay trên địa bàn tỉnh 100% cơ sở y tế đã có dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản và mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần trở lên duy trì đạt tỷ lệ trên 61,8%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế đạt 74,0%;  Tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm AT2 thực hiện duy trì tỷ lệ trên 90%; Tỷ lệ tử vong Mẹ/100.000 trẻ sơ sinh sống là 32,2%; Tỷ số giới tính khi sinh 116,8/100 bé gái. 100% các xã, thị trấn đều có trạm y tế, có tủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu khám chữa bệnh; 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% số bản, tiểu khu có cán bộ y tế bản.
 Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng kế hoạch. Tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức các hoạt động Tháng hành động về an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người. Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ dinh dưỡng; sức khoẻ vị thành niên, DS-KHHGĐ, phòng chống các bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm... được tăng cường.
Như vậy, so với chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011- 2020,  mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CSSK, tỉnh đạt được một số chỉ tiêu đã đề ra. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được và hoàn thành tất cả các chỉ tiêu trong chiến lược, Sơn La tập trung vào các nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu 4 như: Cung cấp dịch vụ CSSK sinh sản, sức khoẻ tình dục cho phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, dịch vụ CSSK sinh sản linh hoạt để tiếp cận và miễn phí đối với phụ nữ và nam giới vùng dân tộc thiểu số. Mở rộng mạng lưới tư vấn về SKSS cho nam giới. Đào tạo bác sỹ chuyên khoa nam học tại Bệnh viện Đa khoa cấp tỉnh - truyền thông nâng cao nhận thức về SKSS, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Tăng cường sự tham gia của nam giới vào thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Mở rộng các hoạt động truyền thông đối với người chưa thành niên về sức khoẻ tình dục, tránh thai an toàn. Lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành Y tế./.
Hồng Phượng