Thời sự
Sở LĐTB&XH Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thành phố
09:48 AM 24/10/2023
(LĐXH)- TP Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác CCHC. Sau những quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, đến nay, công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến rõ nét ở từng lĩnh vực khác nhau của thành phố, nhất là lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội luôn xác định, đẩy mạnh TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần phải tập trung chỉ đạo để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác CCHC. Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả", do vậy việc cải cách TTHC đã bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức.
Qua đó góp phần thực hiện tốt các hoạt động trong công tác quản lý Nhà nước về lao động việc làm, giảm nghèo, giải quyết chế độ chính sách cho người có công và các đối tượng yếu thế... đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; rà soát TTHC, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, giảm thời gian giải quyết TTHC, giảm các chi phí tối đa.
Để triển khai thực hiện, Sở đã ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, tái cấu trúc TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo triển khai của Trung ương, thành phố trong việc triển khai các nhiệm vụ của ngành.
Tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong giải quyết TTHC; tham mưu UBND thành phố sửa đổi, bổ sung, công bố các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành, trong đó nghiên cứu cắt giảm, tái cấu trúc lại quy trình giải quyết đối với các TTHC.
Chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan phổ biến, quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC, cung cấp DVC, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong giải quyết TTHC.
Từ năm 2022 đến nay, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành 09 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 06 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tham mưu Chủ tịch UBND thành phố công bố Quyết định 1660/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 với 06 TTHC nội bộ trong lĩnh vực Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội.
Tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 12/4/2023 về việc phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết các TTHC lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội với 19 TTHC.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, chuẩn hóa, cập nhật những điểm mới về TTHC, đơn giản các TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết, chuẩn hóa lại các TTHC; thường xuyên cập nhật kịp thời hồ sơ hành chính theo sự thay đổi của các văn bản pháp quy và đề xuất phân cấp, ủy quyền thực hiện TTHC.
Sở cũng đã xây dựng Kế hoạch giao các phòng chuyên môn có TTHC bám sát theo chỉ đạo của UBND thành phố, đánh giá các yếu tố cấu thành TTHC nhằm đề xuất, kiến nghị cắt bỏ các thành phần hồ sơ; yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; tập trung ưu tiên rà soát các TTHC có tần suất thực hiện nhiều thuộc thẩm quyền quản lý của Sở ở 3 cấp xã - huyện - thành phố theo lĩnh vực được giao; đề xuất quy trình TTHC liên thông (nếu có).
Trong số 34 thủ tục hành chính đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua phương án đơn giản hóa có 31 thủ tục hành chính giảm từ 0,5 đến 8 ngày làm việc so với quy định và 3 thủ tục hành chính giảm thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ (ước tính chi phí tiết kiệm được đối với ba thủ tục hành chính này là gần 1,6 triệu đồng/năm).
Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết TTHC lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Tính đến nay, 100% thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết đều được tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Trung bình mỗi tháng Sở tiếp nhận và giải quyết từ trên 4.000 hồ sơ hành chính, 100% các TTHC thực hiện tại Sở được giải quyết đúng thời gian quy định tại mỗi TTHC; tuyệt đối không tự đặt ra hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, không được gây khó khăn, nhũng nhiễu tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ.
Với những kết quả đạt được, năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã dẫn đầu 22 Sở, cơ quan tương đương về Chỉ số Cải cách hành chính với 91,68%.
Để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục sát sao chỉ đạo, nghiên cứu nhiều giải pháp mới để đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt đối với cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, phải tập trung trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Gắn công tác CCHC với tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, thực hiện tốt vai trò tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động – người có công và xã hội” qua từng công việc cụ thể./.
Hà Minh