Lao động
Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các hoạt động hỗ trợ nữ lao động nghèo Hà Nội
02:39 PM 23/11/2017
(LĐXH) - Từ nguồn vốn vay của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm giải ngân thông qua LĐLĐ Hà Nội, hàng trăm gia đình lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương đã có thêm việc làm, tăng thu nhập từ 800.000 -1.500.000 đồng/tháng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
Trong những năm qua, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của LĐLĐ Thành phố Hà Nội phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ, hỗ trợ lao động nữ là hộ nghèo, hộ thuộc diện khó khăn, có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Thanh Oai là huyện nông nghiệp, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình công nhân viên chức lao động còn khó khăn. Vì vậy, khi nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm về với địa phương, nhiều hộ gia đình đã coi đây là cứu cánh trong việc tạo thêm việc làm, đặc biệt là giải quyết lao động dôi dư trong gia đình, góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.Hình ảnh có liên quanQuỹ QGGQVL đã giúp cho nhiều lao động nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội có thêm nguồn thu nhập
Tính đến cuối năm 2016, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện đã triển khai cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia cho 11 dự án để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho 92 hộ gia đình với 102 lao động. Qua khảo sát, thu nhập của 102 gia đình lao động sau khi được vay vốn đã góp phần cải thiện đời sống gia đình, đầu tư thêm nuôi con ăn học và mua sắm thêm thiết bị phục vụ gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thủy và Trần Thị Hải – giáo viên Trường Mầm non xã Thanh Mai (huyện Hoài Đức) đều may mắn được vay số vốn 20 triệu đồng từ tháng 3.2016, đã đầu tư vào chăn nuôi lợn và nuôi chim cút, cho thu nhập kinh tế khá.
Chị Trần Thị Hải cho biết: Được xét cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia, gia đình tôi đã mở rộng diện tích chuồng trại và chăn nuôi, đầu tư nuôi chim cút. Ngoài 20 triệu đồng từ công đoàn cho vay, tôi đã mạnh dạn hỏi vay thêm bạn bè, người thân để đầu tư nuôi 5.000 con chim cút. Lứa này gối lứa khác, số tiền vừa bán chim, vừa bán trứng kết hợp với chăm sóc vườn cây cũng cho gia đình tôi thêm khoản thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với phóng viên, chị Hải cho biết: “Trước khi vay vốn, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, giờ đã mua sắm thêm được một số vật dụng gia đình, đầu tư thêm cho con cái học hành. Kinh tế gia đình được cải thiện đã thấy rõ, nhưng điều khiến chúng tôi thấy rất vui là trong khó khăn, mình đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức công đoàn”
Tại huyện Phúc Thọ, với nguồn vốn ủy thác 2,2 tỉ đồng, LĐLĐ huyện Phúc Thọ đã tập trung hỗ trợ vốn cho 98 hộ gia đình công nhân viên chức lao động có thu nhập thấp, có vợ, chồng, con trong độ tuổi lao động thiếu hoặc mất việc làm được vay từ 20 đến 50 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi.
Từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kết hợp với nguồn vốn tự có, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình phát triển hiệu quả, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đó tiêu biểu là hộ gia đình chị Nguyễn Thị Vượng - Công đoàn xã Ngọc Tảo. Với số tiền 25 triệu đồng vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và số vốn tự có của gia đình, sẵn có diện tích đất vườn rộng 528m2, chị và gia đình đã đầu tư theo mô hình VAC: trồng bưởi Phúc Thọ, thả cá, nuôi lợn, gà, bò... Từ mô hình này, hằng tháng gia đình anh có thu nhập khoảng 4 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 lao động.
Hiệu quả từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình giảm nghèo của huyện và thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng cường các hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn. Nhờ đó, CNVCLĐ thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn, coi tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy.
Ông Kiều Doãn Truật - Giám đốc Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô cho biết: Hiện nay, LĐLĐ Hà Nội đang quản lý số tiền 42,779 tỉ đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (trong đó UBND Thành phố giải ngân 39,920 tỉ đồng và Tổng LĐLĐVN giải ngân 2,859 tỉ đồng).
Với mức cho vay 20 triệu đồng/dự án/24 tháng, lãi suất ưu đãi (0,55%/tháng), nguồn vốn đã giúp hàng trăm đối tượng là công nhân viên chức lao động nghèo nghèo tại các doanh nghiệp, cộng đồng xã, phường, trường học... thuộc các huyện ngoại thành được vay vốn, cải thiện kinh tế gia đình với mức thu nhập trung bình tăng thêm từ 800.000- 1.500.000 đồng/tháng.
Thừa nhận hiệu quả từ nguồn vốn vay với công nhân viên chức lao động nghèo, song lãnh đạo huyện Phúc Thọ khẳng định nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vay vốn của người lao động trong huyện.
Tương tự, tại huyện Thanh Oai, nguồn vốn vay được giải ngân mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động. Ông Nguyễn Đình Cất - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai cho biết: Năm 2016, LĐLĐ huyện được LĐLĐ Hà Nội bổ sung nguồn vốn vay 500 triệu đồng, nâng tổng số nguồn vốn vay LĐLĐ huyện đang quản lý lên 1,7 tỉ đồng.
Huyện Thanh Oai hiện có 150 công đoàn cơ sở với tổng số 6.992 lao động, trong đó có tới 2/3 số đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp rất cần được vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
“Nhu cầu vay vốn của cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động là rất lớn nhưng số vốn cho 1 dự án lại bị hạn chế khiến các công đoàn cơ sở gặp khó khăn trong việc bình xét cho cán bộ, đoàn viên vay. Vì vậy, chúng tôi đề nghị LĐLĐ Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện cho LĐLĐ huyện được vay số vốn tăng lên 1 tỉ đồng/năm, để tăng thêm vốn vay cho mỗi dự án lên 30-50 triệu đồng/dự án; đồng thời xem xét tăng thời gian cho vay/1 dự án từ 24 tháng lên 36 tháng để người lao động có cơ hội đầu tư và quay vòng vốn hiệu quả hơn, đem lại nguồn thu nhập cao hơn” - ông Cất kiến nghị.
N.Khánh