Xã hội
Phát triển các dịch vụ trị liệu trong công tác xã hội ở Việt Nam: Nhu cầu bức thiết
02:37 PM 25/12/2018
(LĐXH) - Vừa qua, tại Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: Phát triển dịch vụ trị liệu trong công tác xã hội ở Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia về dịch vụ trị liệu trong nước và quốc tế, các đại biểu đến từ các trung tâm bảo trợ xã hội, trường đại học có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội (CTXH), các Hội, đoàn thể...
GS. TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục phát biểu tại Hội thảo
Khi nhắc đến CTXH, người ta không thể không nhắc tới hoạt động trị liệu và giáo dục trị liệu của nhân viên CTXH.  Đây là khái niệm không mới trên thế giới,  tuy nhiên khái niệm này còn khá mới và chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Hoạt động  trị liệu là dùng các đánh giá và điều trị để phát triển, phục hồi, hoặc duy trì các kỹ năng sống và công việc hàng ngày của những người có rối loạn về thể chất, tinh thần, hoặc nhận thức (gọi chung là người được trị liệu) nhằm hướng đến mục tiêu người được trị liệu sẽ gia tăng sự độc lập chức năng, tăng cường sự phát triển và ngăn ngừa tàn tật. Từ đó, người được trị liệu sẽ từng bước thích ứng với công việc hay môi trường để đạt được sự độc lập tối đa và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong hoạt động trị liệu có nhiều phương pháp và hình thức khác nhau tùy theo đối tượng trị liệu và mức độ phù hợp, bao gồm: Ngôn ngữ trị liệu, vận động trị liệu, tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập...
Ông Tiong Tan - Trường Đại học Khoa học xã hội Singapore trình bày về kinh nghiệm phát triển dịch vụ trị liệu trong CTXH tại Singapore
Về mặt thực tiễn, hoạt động trị liệu và giáo dục trị liệu của nước ta cũng đã được hình thành rất sớm. Tuy nhiên, hoạt động trị liệu thiên về các dịch vụ y tế, giáo dục trị liệu thiên về giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo về giáo dục trị liệu chuyên nghiệp, có chăng đó là sự lồng ghép trong chương trình đào tạo của các ngành khác nhau như: Tâm lý học, giáo dục đặc biệt , công tác xã hội. Chính vì vậy, Ban tổ chức mong muốn thông qua hội thảo này đưa ra một hệ thống lý thuyết, cơ sở lý luận, giải pháp phát triển các dịch vụ trị liệu trong CTXH; kinh nghiệm phát triển trị liệu trong CTXH đang được triển khai tại các cơ sở dịch vụ công cũng như các cơ sở dịch vụ khác, qua đó góp phần đưa ra một khung cơ sở pháp lý về lĩnh vực này để có thể hình thành và ứng dụng và đem lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực.
Ths Trần Đình Tuấn, nhà thực hành CTXH tại bang California, Hoa Kỳ trình bày về kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ trị liệu tại California
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ của các diễn giả về các nội dung: Mô hình công tác xã hội trợ giúp người khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An; Công tác xã hội và sự trợ giúp có hiệu quả học sinh học kém từ góc độ tâm lý học thần kinh trẻ em; Ứng dụng các lý thuyết CTXH vào can thiệp trẻ tự kỷ; Mô hình giáo dục trị liệu tại Singapore; Yêu cầu và kinh nghiệm đào tạo nhân viên CTXH tại bang California, Hoa Kỳ...
TS Phan Thanh Bình trao đổi về ứng dụng các lý thuyết CTXH vào can thiệp trẻ tự kỷ
Công tác xã hội là một nghề hỗ trợ các cá nhân, các nhóm, các cộng đồng yếu thế đang cần được trợ giúp. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, CTXH ở Việt Nam hướng đến những đối tượng yếu thế thuộc diện chính sách và các đối tượng đang phải đối mặt với các vấn đề nan giải nhất. Đồng thời, CTXH cũng hướng đến việc tăng cường sự tham gia của các đối tượng cần được trợ giúp, nâng cao năng lực cho các bên liên quan như gia đình và cộng đồng, phục hồi và phát triển đối tượng thành những con người có ích cho xã hội. Trong bối cảnh đó, rất cần sớm phát triển các dịch vụ trị liệu trong CTXH và ứng dụng nó một cách thiết thực và hiệu quả trong cuộc sống.
Toàn cảnh hội thảo
Thảo Lan