Xã hội
Ở nơi khơi dậy mầm thiện cho những người lầm lỗi
10:31 AM 26/02/2019
(LĐXH)- Giáo dục, cảm hóa, khơi dậy mầm thiện trong mỗi phạm nhân để họ yên tâm học tập, lao động, cải tạo, sớm hoàn lương, trở về gia đình và xã hội; tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân để làm “hành trang” khi hòa nhập cộng đồng cho những người từng lầm lỗi là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ, trách nhiệm và quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sỹ đang ngày ngày làm công tác giáo dục phạm nhân tại Trại giam Thạnh Hòa (Cục C10 – Bộ Công an)…
Tạo nghề để quý trọng thành quả lao động
Dạy nghề thắt lưỡi câu cho các phạm nhân
Những ngày đầu năm 2019, có dịp đến thăm Trại giam Thạnh Hòa đóng trên địa bàn xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hoá (tỉnh Long An), chúng tôi cảm nhận được sự phấn đấu hoàn lương của những người từng lầm lỗi khi đang hăng say lao động sản xuất. Tại các đội sản xuất, với đôi tay nhanh thoăn thoắt của các phạm nhân chẳng khác nào những công nhân lành nghề hay như những người thợ thực thụ. Song tựu trung, sâu thẳm trong họ là khát vọng "ngày trở về" đoàn tụ bên gia đình, hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời.
Thượng tá Phạm Văn Thúy, Phó Giám thị Trại giam Thạnh Hòa, Phụ trách Phân trại số 2, cho biết: Với đơn vị, việc giáo dục, cảm hóa gắn liền với dạy nghề và truyền nghề luôn được Ban Giám thị Trại giam chú trọng. Ðây là một việc làm cần thiết, là nội dung giáo dục, cải tạo hết sức quan trọng đối với các phạm nhân, thông qua dạy nghề góp phần tích cực làm chuyển biến nhận thức cho các phạm nhân. Căn cứ sức khỏe, lứa tuổi, trình độ văn hóa, quê quán, trại bố trí cho phạm nhân lao động, học nghề thích hợp để đến khi chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ tự kiếm sống bằng nghề đã học tại trại giam. Chính vì vậy, ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, người làm công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân phải có thái độ mềm mỏng, nhưng kiên quyết để phạm nhân tự giác chấp hành pháp luật, nội quy, quy định trại giam và yên tâm cải tạo.

Cán bộ quản giáo thường xuyên hướng dẫn phạm nhân học tập nội quy

Chỉ tay về phía đội phạm nhân đang học nghề mây tre đan tại Phân trại số 2, Trung tá Trần Thanh Toàn, Đội trưởng Đội giáo dục hồ sơ (Trại giam Thạnh Hòa), trao đổi: Những năm qua, ngoài việc quản lý, giam giữ chặt chẽ các loại đối tượng, bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, điều kiện giam giữ, cải thiện môi trường giáo dục, Ban Giám thị Trại giam đặc biệt quan tâm đến công tác hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân. Những nghề cơ bản như: mộc, mây tre đan, điện dân dụng, xây dựng, may mặc, trồng trọt, chăn nuôi... được các phân trại chủ động đề xuất với Đảng ủy - Ban Giám thị liên kết với các đơn vị bên ngoài tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định. Tạo được cái nghề chính là triệt tiêu được thói xấu lười lao động trong con người phạm nhân, để họ tự nuôi sống mình bằng khả năng lao động của bản thân và chứng minh mình là những người có ích cho xã hội khi được tái hòa nhập cộng đồng.

Hướng dẫn và truyền nghề may gia công quần áo cho những người từng lầm lỗi

Đảng uỷ - Ban Giám thị đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục cải tạo phạm nhân và chỉ đạo tổ chức giáo dục thường xuyên liên tục từ lúc phạm nhân mới đến trại chấp hành án đến khi họ chấp hành xong hình phạt tù. Áp dụng đồng bộ, đầy đủ các nội dung, hình thức, phương pháp, biện pháp giáo dục tác động vào phạm nhân để giúp họ thay đổi nhận thức theo một hướng nhất định, đó là “hướng thiện”. Tập trung giáo dục phạm nhân với 3 chủ đề chính: giáo dục về pháp luật, giáo dục về đạo đức và giáo dục về các kỹ năng sống, mỗi chủ đề có nhiều bài giảng theo chương trình khung giáo dục phạm nhân. Ngoài lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ đơn vị trực tiếp giảng dạy, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan chức năng như: Sở Văn hoá - Thể thao và du lịch tỉnh Long An, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Long An, Hội Luật gia tỉnh Long An, Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh Long An, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Long An, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đến giảng dạy và tư vấn cho phạm nhân nhằm trang bị cho phạm nhân những kiến thức cơ bản cần thiết làm hành trang tái hoà nhập cộng đồng.
Dạy nghề mây tre đan cho phạm nhân
Tính riêng năm 2018, Trại giam Thạnh Hòa đã mở 28 lớp học đầu vào cho 738 phạm nhân, 15 lớp đầu ra cho 619 đối tượng, 10 lớp cho 720 phạm nhân đang chấp hành án; tổ chức giảng dạy và cấp chứng nhận cho 86 phạm nhân tham gia 4 lớp học văn hóa. Ngoài ra, đơn vị còn liên kết với Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Tháp tổ chức 8 lớp dạy nghề may và xây dựng cơ bản cho 280 phạm nhân (đã cấp chứng chỉ nghề); hợp tác với các công ty tổ chức lao động, dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân các nghề như: xây dựng, khâu bóng, may gia công quần áo, đan ghế, thắt lưỡi câu…
Được biết, sau khi những phạm nhân học nghề cơ bản xong, họ được phân bổ về các đội phạm nhân làm hạt nhân cho việc tổ chức lao động sản xuất của trại, đồng thời những phạm nhân này cùng với cán bộ quản giáo có trách nhiệm dạy lại cho những phạm nhân khác chưa biết nghề. Với cách làm này, rất nhiều phạm nhân thi hành án ở trại có ý thức học nghề đều thông thạo một nghề nhất định; các nghề do trại phối hợp với các trường và trung tâm dạy nghề tổ chức đều được phát huy hiệu quả, làm ra của cải vật chất, cải thiện đời sống cho chính phạm nhân...
"Trại giam là nơi giáo dục, cảm hóa phạm nhân để khi mãn hạn cải tạo, họ được trở về với cộng đồng xã hội. Nếu nói về lý, lúc này trách nhiệm quản lý họ thuộc về xã hội, nơi cư trú. Nhưng chúng tôi luôn nghĩ, cán bộ, chiến sĩ của trại sẽ là cầu nối để giới thiệu, giúp họ có những địa chỉ "đỏ" đi tìm việc làm, ổn định cuộc sống, khi họ trở về với cộng đồng không tái phạm tội. Hàng tháng, đơn vị lập danh sách phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù gửi về UBND cấp xã (phường) và Công an cấp quận (huyện) nơi cư trú biết để xem xét, sắp xếp tạo lập cuộc sống cho người chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, với những người trong độ tuổi thanh niên về cư trú tại địa bàn tỉnh, trại gửi danh sách cho Hội Liên hiệp Thanh niên Long An và một số đơn vị biết để chủ động theo dõi, tạo điều kiện trong việc tái hòa nhập cộng đồng" – Thượng tá Trần Thanh Tâm, Phó Giám thị Trại giam Thạnh Hòa, chia sẻ.
Xây đắp niềm tin
Tổ chức thăm gặp cho các phạm nhân có thành tích trong lao động sản xuất
Thực tế, công việc quản lý, cải tạo hàng nghìn phạm nhân bị phạt tù với nhiều tội danh khác nhau khiến những người làm công tác này phải đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm. Nhưng bằng cái tâm và trách nhiệm, mỗi cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đã và đang cảm hóa các phạm nhân, hướng dẫn họ học tập lao động, cải tạo, trả về cho từng gia đình và xã hội những công dân lương thiện đã một thời lầm lỗi.
Là một trong những phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, anh Nguyễn Chí Trai (sinh năm 1973) ở ấp 1, xã Bình Tâm, thành phố Tân An, tỉnh Long An đã dần quên đi quãng thời gian 8 năm về tội danh Cướp tài sản. Nhờ sự động viên, giúp đỡ tận tình của cán bộ quản giáo và việc chấp hành cải tạo tốt, xuân Kỷ Hợi 2019, anh đã được đoàn tụ cùng gia đình. Nhớ lại những ngày mới vào trại, anh Nguyễn Chí Trai, tâm sự: Không chỉ được giáo dục pháp luật để nhận thức tội lỗi mình đã gây ra, tôi còn được phân trại cho học nghề, truyền nghề để hướng tới cái thiện, biết sống cho mình và gia đình bằng những việc làm thiết thực, luôn vượt định mức được giao. Tôi luôn coi cán bộ như người trong gia đình, chia sẻ và hướng dẫn kỹ năng sống, động viên tôi và những phạm nhân khác cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Ðảng, Nhà nước, được giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn, có điều kiện và trở về với gia đình, xã hội, sống bằng nghề đã học được trong trại.
Học và nghiên cứu pháp luật
Ðược sự đồng ý của Ban Giám thị Trại giam Thạnh Hòa, chúng tôi có dịp trao đổi với phạm nhân Tô Kim Châu (sinh năm 1994), đăng ký thường trú tại ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) chấp hành án phạt 7 năm 9 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Châu cho biết: Những ngày đầu vào trại, em mặc cảm, ngang bướng không chịu chấp hành nội quy của trại. Hơn 7 năm ở trại, được sự quản lý, giáo dục của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ, em đã nhận ra tội lỗi của mình để yên tâm cải tạo, mong được hưởng chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước. Mặc dù rất tiếc nuối về thời son trẻ, song cán bộ luôn động viên, tổ chức dạy nghề và lao động sản xuất nên sau nhiều lần giảm án, đến đợt Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, em được đề nghị giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù.
Cán bộ y tế thường xuyên khám sức khỏe và cấp phát thuốc cho phạm nhân
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn phạm nhân đã và đang được Ban Giám thị, cán bộ Trại giam Thạnh Hòa quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp họ thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, có động lực và quyết tâm làm lại cuộc đời. Để làm được điều này, mỗi người quản giáo nơi đây vẫn hàng ngày đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng phạm nhân để động viên, thuyết phục họ phát huy cái tốt, mặt tích cực, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó yên tâm học tập, lao động cải tạo. Niềm vui, niềm hạnh phúc của những người làm công tác giáo dục cải tạo là cảm hóa, giáo dục phạm nhân để họ sớm được trở về với gia đình và trở thành người có ích cho xã hội./.  

Chí Tâm