Xã hội
Nối dài những niềm vui cho học sinh dân tộc thiểu số
01:38 PM 05/11/2018
(LĐXH) - Điểm Trường Cỏi Lấp - thuộc Trường Mầm non và Tiểu học Xuân Sơn là điểm trường nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Đây là một điểm trường nghèo thuộc xã 30a của Chính Phủ. Hiện nay, điểm trường có 07 lớp học, trong đó có 04 lớp tiểu học (51 học sinh) và 03 lớp mẫu giáo (62 học sinh), tổng số học sinh 113 trẻ em. Học sinh của trường chủ yếu là con em người dân tộc Dao nhưng rất có tinh thần vượt khó hiếu học, học giỏi và có trách nhiệm bảo vệ rừng.

Xã Xuân Sơn là xã vùng III của huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), phía Đông giáp xã Xuân Đài, phía Tây giáp Phù Yên (Sơn La),  huyện Đà Bắc (Hòa Bình), phía Bắc giáp xã Đồng Sơn, phía nam giáp xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn. Tổng diện tích tự nhiên của xã là: 6.572,05 ha với 299 hộ và 1.219 khẩu, gồm hai dân tộc cùng sinh sống chủ yếu là dân tộc Dao (49,9%) và dân tộc Mường (48,8%).

Điểm Trường Cỏi Lấp - thuộc Trường Mầm non và Tiểu học Xuân Sơn là điểm trường nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Đây là một điểm trường nghèo thuộc xã 30a của Chính Phủ. Hiện nay, điểm trường có 07 lớp học, trong đó có 04 lớp tiểu học (51 học sinh) và 03 lớp mẫu giáo (62 học sinh), tổng số học sinh 113 trẻ em. Học sinh của trường chủ yếu là con em người dân tộc Dao nhưng rất có tinh thần vượt khó hiếu học, học giỏi và có trách nhiệm bảo vệ rừng.

Do điều kiện còn nghèo nên hơn 05 năm qua, kể từ ngày xây dựng đến nay, cơ sở vật chất của điểm trường hết sức thiếu thốn, không có tường rào, sân vườn không được quy hoạch, không có nơi xử lý rác thải, khu vực chế biến bữa ăn trưa cho học sinh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sân trường, vườn rau, lớp học nằm sát đường đi lại, không có tường rào ngăn cách gây mất an toàn cho học sinh và sân trường thường xuyên bị trâu bò, gia súc của người dân vào phá... Những ngày mưa gió, sân trường trở nên lầy lội các em học sinh không có chỗ để vui chơi sau những tiết học trên lớp, những tiết sinh hoạt cộng đồng chỉ diễn ra trong lớp học chật hẹp. Đặc biệt, học sinh tại điểm Cỏi Lấp không có nhà vệ sinh, không có nguồn nước sạch, chủ yếu các em giải quyết nhu cầu vệ sinh ngay phía sau lớp học hoặc ra suối, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước sạch sinh hoạt. Hàng ngày để có nước sạch sử dụng cho giáo viên và học sinh, các cô giáo phải dùng xô, chậu xin nước của các hộ dân quanh trường hoặc lấy nước dẫn từ các khe núi. Vào mùa khô, nước trong các khe núi chỉ đủ sử dụng cho các hộ dân nên điểm trường không có nước, cô và trò điểm trường phải dùng nước rất tiết kiệm cho các nhu cầu tối thiểu.

Với mong muốn mang nhiều hơn nữa niềm vui, bớt đi sự khó khăn cho những trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt, khó khăn cả nước, Qũy Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã nhanh chóng hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh (02 ngăn dành cho nam và nữ) cho điểm trường. Không dừng lại ở việc hỗ trợ công trình nước sạch và xây nhà vệ sinh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục vận động các nguồn lực từ các nhà tài trợ để mang đến cho các em học sinh vùng nghèo khó nơi đây một cơ sở vật chất tốt hơn. Đến tháng 11/2017, điểm trường Cỏi Lấp được Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tài trợ xây dựng các hạng mục phụ trợ ( bao gồm: tường rào, bếp ăn, sân trường, khu xử lý rác thải, bồn cây, cổng trường thân thiện với trẻ em…) và các vật dụng khác cho thầy, cô giáo, học sinh của điểm trường. Tổng kinh phí hỗ trợ 891 triệu đồng (trong đó hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh: 130 triệu đồng; công trình phụ trợ: 504 triệu đồng; vật dụng sinh hoạt và sơn mới toàn bộ trường: 87 triệu đồng). Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu thuộc chuỗi hoạt động góp phần vào công tác xã hội hoá của PNJ nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, những trẻ em vùng cao, góp phần tạo điều kiện cho các em có môi trường học tập thuận lợi, tiếp cận tri thức, thực hiện ước mơ, hoài bão.

Ngôi trường khang trang đã được khánh thành...
Niềm vui ngời trong ánh mắt của các em nhỏ

Công trình xã hội này đã được khánh thành và bàn giao cho địa phương vào tháng 5/2018 trước sự chứng kiến của đại diện nhà tài trợ và các bên liên quan. Sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt, vệ sinh, nước sạch... cho 113 học sinh và 11 giáo viên của trường. Đặc biệt đã ổn định việc chế biến bữa ăn trưa cho học sinh mầm non học bán trú tại trường và là công trình thân thiện với môi trường, phù hợp với cảnh quan vùng lõi rừng quốc gia Xuân Sơn khi tường rào xung quanh trường được xây dựng thoáng, mở một không gian thân thiện với môi trường xung quanh. Các giáo viên và học sinh của điểm trường đã lên kế hoạch trồng cây xanh phủ quanh trường để có một hàng rào cây xanh thân thiện, mát mẻ vừa tạo một không gian riêng vừa gần gũi với môi trường tổng thể của lõi rừng quốc gia. Đây là niềm vui lớn cho học sinh, cha, mẹ, thầy, cô giáo và chính quyền địa phương, là nguồn động viên vô cùng quý báu để trẻ em người dân tộc Mường, Dao nỗ lực hơn nữa trong học tập để bảo vệ, chăm sóc, bảo tồn rừng Quốc gia Xuân Sơn ngày càng tươi đẹp.

Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ thăm và tặng quà cho điểm trường

Mới đây, trong tháng 10/2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam có dịp quay trở lại điểm trường Cỏi Lấp, tặng quà và thăm hỏi động viên các em học sinh dân tộc cùng các thầy cô giáo. Trong ánh mắt rạng ngời niềm vui của các em thơ vùng khó khăn có thêm nhiều niềm vui của những người thực hiện sứ mệnh cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Giờ đây, các em học sinh đã được tung tăng vui chơi trong mỗi giờ giải lao, được chạy nhảy trên sân trường mà không còn sợ lấm lem lên bộ quần áo mới, được rửa tay lúc, chân những lúc lấm lem bằng nguồn nước sạch.

Vui cùng niềm vui của cô trò vùng cao, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chia sẻ, điểm trường Cỏi Lấp sau khi nhận được đầu tư, hỗ trợ đã thực sự trở thành một hình mẫu theo tiêu chí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là hỗ trợ giáo dục không chỉ có dạy chữ mà còn dạy cho các em cả những nhận thức về cuộc sống gắn với môi trường xung quanh. “Chính vì thế chúng tôi thiết kế xây dựng điểm trường này khác biệt so với tất cả các điểm trường khác. Tôi hy vọng trong tương lai, đây sẽ là điểm trường mẫu vì nó nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên của Quốc gia, rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây tham quan và có thể áp dụng mô hình này về địa phương của mình một cách phù hợp nhất”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cỏi Lấp được xem là điểm trường mẫu của địa phương

Đăng Doanh