Thời sự
Nhìn lại 5 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn
10:43 AM 01/12/2017
(LĐXH) - Tính bình quân cả nước, tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm tăng từ 78,9% trong 3 năm đầu thực hiện Đề án lên 80,36% trong những năm gần đây (được doanh nghiệp tuyển dụng, cam kết bao tiêu sản phẩm hoặc tự thành lập tổ, nhóm sản xuất, HTX…)
Đào tạo nghề điện dân dụng cho lao động khu vực nông thôn
Đặc biệt, từ những chủ trương, giải pháp và triển khai thực hiện nghiêm túc đã giúp nhận thức của người dân về học nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập có sự chuyển biến rõ rệt. Từ tham gia học nghề để biết, học theo phong trào, đi học để được hỗ trợ tiền ăn đến việc nhận thức rõ tham gia học nghề để có việc làm, để áp dụng được tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng sản xuất hoặc có việc làm mới để tăng thu nhập. Công tác tuyên truyền được chỉ đạo, triển khai thường xuyên với sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ công chức và người lao động về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập đồng thời giúp người dân kịp thời nắm được thông tin về các chính sách hỗ trợ, về ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo.
Về hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến năm  2015, tổng kinh phí đã bố trí thực hiện Đề án là trên 8.170,53 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch kinh phí giai đoạn (2010-2015) và đạt 31,5% kinh phí dự kiến bố trí trong 11 năm thực hiện Đề án, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 5.870,53 tỷ đồng  (chiếm 71,9%). Ngân sách địa phương và các nguồn từ các chương trình, dự án khác vào khoảng 2.300 tỷ đồng (chiếm 28,1%). Tuy tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án 6 năm qua đạt khoảng 70% so với dự kiến kế hoạch, nhưng bằng sự cố gắng, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 6 năm qua đã đạt được kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 91,5% kế hoạch 6 năm (2010-2015) và bằng 41,3% kế hoạch của cả 11 năm (2010-2020) thực hiện Đề án.
Đặc biệt, trong những năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên nghiên cứu giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên; nghiên cứu giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực Tây Bắc và các huyện miền núi Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An. Kết quả, trong tổng số trên 5 triệu lao động nông thôn tham gia học nghề từ năm 2010 đến năm 2016, có khoảng 2,5 triệu lao động nông thôn là thanh niên. Đối tượng thanh niên tham gia học nghề chủ yếu được lao động tuyển dụng, một phần tự tổ chức sản xuất hoặc thành lập các tổ dịch vụ, hợp tác xã. Từ năm 2011 đến nay đã có 712.016 người, chủ yếu là thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Trong đó, có 20.129 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Đề án 71 và Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác được chú trọng. từ năm 2010-2016 đã hỗ trợ đào tạo nghề 48.975 người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trên 800 ngàn người dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề; trên 300 ngàn người được hỗ trợ học nghề thuộc hộ nghèo; 53.990 người bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ học nghề; gần 70 ngàn người khuyết tật được hỗ trợ hỗ trợ học nghề; 188.344 người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ học nghề. Số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm tăng thu nhập đạt gần 25%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách đã góp phần thực hiện chính sách của Đảng, nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
PV
 
 
Từ khóa: ldnt