Xã hội
Người thương binh thành công trên mọi “mặt trận” ở Sóc Trăng
05:34 PM 23/08/2017
(LĐXH)-Ngôi nhà của bác thương binh Phan Thanh Sơn ở ấp An Ninh, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nằm ngay bên dòng kênh hiền hòa, thơ mộng.
Đứng trước cổng, có thể phóng tầm mắt ngắm những dòng chảy xa tít nối đuôi nhau theo những khóm hoa vàng nhỏ xinh nép mình bên những thảm cỏ, những khóm dừa nước xanh mướt dọc hai bờ kênh. Trong vườn nhà, những gốc dừa có tuổi xum xuê lá, thi thoảng vang lên những bản nhạc xào xạc, du dương làm nên nét thanh bình của một vùng quê miền Tây sông nước. Giữa khung trời ấy, một cảm giác thoải mái, sung sướng đến lạ kỳ len lỏi trong chúng tôi khi được ngồi bên bộ bàn ghế đá, nghe người lính cụ Hồ kể về cái thời chinh chiến và cuộc đời của bác.
Thương binh hạng 4/4/ Phan Thanh Sơn
Năm 1970, khi mới tròn 16 tuổi, bác Phan Thanh Sơn tình nguyện tham gia đội quân du kích xã Ba Trinh trong huyện. Bác là một chiến sĩ hoạt động hăng hái, tích cực  thực hiện nhiệm vụ trinh sát vùng địch để nắm bắt tình hình, khai thác thông tin quan trọng phục vụ đơn vị chiến đấu. Ngoài ra, bác còn nhiệt tình vận động bà con xóm ấp xây dựng cơ sở và giúp đỡ cách mạng, phát hiện tình báo, gián điệp, đứng lên diệt tề ấp, tề xã. Năm 1973, trong một trận chiến trực tiếp với địch trên đoạn đường Na Tưng, thị trấn Kế Sách, bác bị địch bắn trúng vào chân và bị thương nặng. Trong suốt quá trình chiến đấu, bác không ngừng phấn đấu và trở thành một chiến sĩ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm được giao, trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Vì vậy, đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác là chính trị viên đại đội an ninh vũ trang huyện. Năm 1979, bác được giao giữ chức vụ Phó Công an huyện, rồi Trưởng Công an huyện vào năm 1983. Tuy nhiên, cuộc đời bác cũng có nhiều thăng trầm, thay đổi với nhiều lần đối mặt với những thách thức mới, vận mệnh mới. Dấu mốc ấn tượng nhất là năm 1989, bác chuyển ngành về làm giám đốc một công ty xây dựng của huyện. Không lâu sau, do sức khỏe không cho phép, bác xin nghỉ hưu để trở về cuộc sống đời thường, phụ giúp người vợ hiền tần tảo làm nông nghiệp.
Bác Phan Thanh Sơn vui vẻ kể về đời lính" của mình cho phóng viên Tạp chí Lao động Xã hội
Mang trong mình khí chất của người lính cụ Hồ, nên khi nghỉ hưu, thương binh Phan Thanh Sơn vẫn chăm chỉ tự mày mò, nghiên cứu và đi tham quan nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt thành công ở địa phương để về phụ giúp vợ con sản xuất cho hiệu quả. Với sự cần cù, nhẫn nại, không sợ thất bại mà đến nay gia đình bác đã sở hữu một vườn dừa khá rộng lớn hơn 8.000m2. Một năm dừa cho khoảng 4.000 trái, với giá bán 7.000 đồng/quả, gia đình bác cũng thu được ngót nghét 30 triệu/vụ. Ngoài ra, bác còn có một nguồn thu nhập tương đối tốt từ con cá trê. Lúc đầu bác chỉ nuôi 1 ao, xong từ năm 2015 trở đi, nhận thấy nuôi cá trê khá dễ, không vất vả, vốn đầu tư lại ít, cộng với việc học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm và kiến thức từ người dân xung quanh, bác đã mạnh dạn đầu tư mạnh hơn, nuôi tới 9 ao cá trê, 1 năm thu được khoảng 5 tấn cá, doanh thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí, số lãi thu về được khoảng 80 triệu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, do hiện tượng ao bị xâm nhập mặn bất ngời, bác đã mất trắng hơn 4 tấn cá trị giá khoảng 90 triệu đồng. Làm nông rủi ro là vậy, nhưng theo quan điểm của bác Sơn, đôi khi mình phải biết chấp nhận và điều quan trọng là biết rút kinh nghiệm, không ngừng học hỏi và chăm chỉ thì sẽ vượt qua được khó khăn mà vươn lên phát triển. Sau khi nước trong ao hết ngập mặn, bác lại thả trở lại khoảng 1,5 tấn cá trê con và 5 tháng sau ao nhà bác đã không phụ lòng người, lại cho bác vớt về những mẻ lưới đầy cá với thu nhập tương đối.
Không chỉ chăm chỉ làm kinh tế cho gia đình, ở địa phương, bác Sơn còn là một người hoạt động xã hội năng nổ, nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ bà con xóm ấp. Thấu hiểu những nỗi đau do chiến tranh gây ra, từ năm 2010, bác đã tích cực tham gia Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin huyện Kế Sách và hiện nay bác đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội lãnh đạo 600 hội viên, trong đó có 200 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nghèo và cận nghèo. Ở cương vị này, bác luôn là người đi đầu và tích cực vận động các xã thành lập chi hội, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để giúp đỡ nạn nhân và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Riêng năm 2016, Hội đã vận động được trên 300 triệu đồng, 20 chiếc xe lăn, 600 suất quà, mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng, trong đó có gạo, đường, tiền mặt...; vận động xây được 3 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá 30 triệu đồng/căn; cho 4 hộ hội viên vay vốn không lãi suất để làm ăn, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, hộ ít nhất được vay 3 triệu và nhiều nhất là 10 triệu đồng. Đặc biệt, tại 3 Chi Hội nạn nhân chất độc da cam của xã Ba Trinh, An Lạc Tây và Nhơn Mỹ, thị trấn Kế Sách, các hội viên còn thực hiện mô hình góp tiền giúp đỡ những hội viên nghèo vay vốn không lãi để làm ăn. Chi hội ít nhất cũng góp được 3 triệu đồng cho hội viên mượn với thời hạn 1 năm, sau đó số vốn này lại quay vòng cho hộ khác mượn. Cách làm này không chỉ là động lực giúp đỡ và thúc đẩy các hộ có thêm điều kiện làm ăn, vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm, tình đoàn kết xóm làng trong ấp, trong xã. Điển hình là gia đình bà Lê Ngọc Nga, ở ấp An Khương, thị trấn Kế Sách đã được tạo điều kiện vay vốn 3 triệu đồng để bán hàng ăn sáng và tạp hóa. Với sự cần cù, chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình bà đã thoát nghèo và trở thành hộ một hộ khá trong ấp. Với những hoạt động tích cực, trong năm 2016, Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin huyện Kế Sách và 3 hội viên thuộc hội đã vinh dự được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng thưởng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Điều tự hào nhất đối với thương binh Phan Thanh Sơn là được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng
Sau bao nhiêu năm chinh chiến nơi chiến trường rồi lập nghiệp nơi quê hương yêu dấu, nhìn lại cơ ngơi đã gây dựng được với nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, 3 đứa con đã lập gia đình riêng và đều trưởng thành, ổn định, thương binh Phan Thanh Sơn cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì bác đã làm đúng như lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” với những phần thưởng cao quý có được như Huân chương kháng chiến chống Mỹ, Huy chương Giải phóng dân tộc, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Và một điều quý giá nhất, vinh dự nhất nữa mà bác nói với chúng tôi ở đoạn cuối câu chuyện đó là bác đã được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng: Cha đẻ và 2 người anh trai của bác là liệt sĩ, mẹ bác là bà Mẹ Việt Nam anh hùng, được Kho bạc Nhà nước và Chi Cục thuế huyện Kế Sách phụng dưỡng đến cuối đời - đúng khi bà hưởng thọ 90 tuổi hồi đầu năm 2017 vừa qua. Nhìn ánh mắt của bác, chúng tôi hiểu đây mãi mãi là một điều may mắn và tự hào nhất của cuộc đời bác, là tấm gương để bác luôn noi theo và lấy đó làm động lực phấn đấu trở thành một người sống có ích cho gia đình và quê hương nơi bác sinh ra. /. 
Mỹ Hạnh