Thời sự
Nâng cao năng lực cho cán bộ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ
03:10 PM 10/10/2018
(LĐXH)- Sáng 10/10, tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Lao động - Xã hội và một số trường ĐH có liên quan tổ chức khai giảng khóa đào tạo Công tác xã hội (CTXH) đối với trẻ tự kỷ khóa II - năm 2018.
Dự Lễ khai giảng có TS. Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội. Phía các trường có GS.TS Đỗ Việt Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; TS Nguyễn Hiệp Thương - Trưởng Khoa CTXH ĐH Sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Trung Hải - Phó trưởng Khoa CTXH của ĐH Lao động - Xã hội cùng các giảng viên. Phía Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội có ông Ngô Đông Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm.
TS. Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát biểu khai mạc Lễ khai giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH và Quyết định 1215 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Lao động - Xã hội và một số trường ĐH có liên quan, một số thầy thuốc, bác sĩ đã nghiên cứu, biên soạn bộ chương trình giáo trình đào tạo về CTXH đối với trẻ tự kỷ. Bộ giáo trình bao gồm 3 học phần về: CTXH, Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật.  
“Trên cơ sở quan sát, kiến nghị của các địa phương cũng như của các cơ sở, chúng tôi đã xây dựng được bộ chương trình đáp ứng được yêu cầu về nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực CTXH đối với trẻ tự kỷ. Đây là bộ tài liệu rất toàn diện. Chúng tôi hy vọng bộ chương trình, giáo trình này sẽ đáp ứng tốt cho công tác thực tiễn tại địa phương và thực hành tại cơ sở” - TS. Nguyễn Văn Hồi khẳng định.
Các đại biểu cùng đông đảo học viên tham dự Lễ khai giảng
TS. Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam hiện có hàng chục triệu người khuyết tật, trong đó có trên 500.000 trẻ tự kỷ. Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm tới người khuyết tật nói chung và công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ nói riêng. Chúng ta đã có Luật Người khuyết tật, Đề án 1019 về chăm sóc và trợ giúp cho người khuyết tật đến năm 2020, Luật Giáo dục - trong đó cũng hết sức quan tâm đến công tác giáo dục đối với trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ.
Thực hiện các chính sách pháp luật liên quan trợ giúp, chăm sóc, giáo dục đối với người khuyết tật cho thấy, hàng năm nước ta giải quyết trợ cấp xã hội cho khoảng 3 triệu người, trong đó có khoảng 1,2 - 1,3 triệu người khuyết tật.
Các đại biểu, giảng viên cùng học viên chụp ảnh lưu niệm
Việt Nam đã cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ khuyết tật, người khuyết tật; phát hiện hệ thống mạng lưới các cơ sở liên quan đến chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với người khuyết tật. Các cơ sở này hiện đang chăm sóc hàng chục nghìn người khuyết tật. Lực lượng nhân viên CTXH đã có hàng trăm nghìn người đang làm việc tại đây.
TS. Nguyễn Văn Hồi hy vọng, 56 học viên CTXH tại khóa đạo tạo lần này sẽ có cơ hội được học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ trong chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Đây là chương trình đào tạo có sự tham gia của cả cán bộ y tế, cán bộ xã hội, do đó là điều kiện, cơ hội để giao lưu, học hỏi về nghiệp vụ CTXH đối với trẻ tự kỷ. Bởi can thiệp đối với trẻ tự kỷ là công tác cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều ngành, trong đó trọng tâm là Y tế, LĐTB&XH và Giáo dục.
GS.TS Đỗ Việt Hùng
Phát biểu tại đây, GS.TS Đỗ Việt Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, đây là lớp học rất đặc biệt, bởi trước đây việc chăm sóc trẻ tự kỷ vẫn còn mang tính chất tự giác. Hiện nay, những lớp học như thế này nhằm trang bị kiến thức để người làm CTXH có thể chăm sóc các cháu khoa học, bài bản hơn, thể hiện bước tiến rất quan trọng của liên ngành LĐTB&XH, Y tế và Giáo dục.
GS.TS Đỗ Việt Hùng cũng mong muốn trong quá trình tập huấn, các học viên cần chủ động tham dự bài giảng, có trao đổi qua lại để tiếp thu kinh nghiệm, nêu những khó khăn từ thực tế, từ đó tìm ra những biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, đề nghị cử những giáo viên không những giỏi về kiến thức mà cần có kinh nghiệm thực tiễn, để đáp ứng được yêu cầu của khóa học./.
Dương Thìn
Từ khóa: trẻ tự kỷ CTXH