Xã hội
Nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin
02:39 PM 15/11/2023
(LĐXH) - Ngày 15/11/2023 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án giám nghèo về thông tin.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai buổi tập huấn
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 tại 54 tỉnh, 503 huyện, 5.468 xã có 14.119.256 người DTTS với 3.350.756 hộ DTTS, chiếm 14,7% dân số cả nước (số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tính trên 63 tỉnh, thành phố có 14.142.720 người DTTS với 3.612.331 hộ DTTS). Trong đó có 6 dân tộc trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu).
Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (năm 2008: 96%); 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9% (năm 2008: trên 70%);
100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, song khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng, miền chưa được thu hẹp.
Hiện tỷ lệ DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo DTTS tính trên tổng số hộ nghèo cả nước còn cao. Năm 2015 là 45,25%, năm 2016 là 48,22%, năm 2017 là 52,66% và năm 2018 là 55,27%, cao hơn 3 - 4 lần so với tỷ lệ dân số DTTS và có xu hướng tăng.
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của DTTS chỉ bằng 0,3 lần so với bình quân chung cả nước. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn.
Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào DTTS. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014 - 2017, số hộ nghèo là người DTTS mỗi năm tăng thêm 67.000 hộ. Đặc biệt là đối với một số nhóm DTTS tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng. Cá biệt có những nhóm DTTS tỷ lệ hộ nghèo rất cao.
Với mục tiêu nâng cao năng lực truyền thông, nâng cao kỹ năng viết bài cho các phóng viên, biên tập viên, trong công tác truyền thông các nhiệm vụ chính trị, các thông tin thiết yếu cho xã hội nhất là tới các vùng núi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, tới các người dân sinh sống ở các địa bàn còn khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, các diễn giả trình bày 03 chuyên đề gồm: Một số chính sách hỗ trợ thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc miền núi (do ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc); Kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc miền núi (TS Nguyễn Quang Hòa, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
 Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc chia sẻ thông tin tại buổi tập huấn
Các nội dung thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin gồm: Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyuền thông; Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ thuyên truyền ở các xã biên giới; Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; Trang bị hệ thống thiết bị thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thông tin đối ngoại tại các xã biên giới, hải đảo; Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã; Xây dựng phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm, báo điện tử; Phát triển các nền tảng công nghệ khác phục vụ giảm nghèo về thông tin; Sản xuất mới tác phẩm báo chí và các sản phẩm truyền thông khác để cung cấp nội dung thiết yếu cho xã hội; Sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu; Lựa chọn tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu có giá trị phổ biến lâu dài để chuyển sang định dạng số và phát hành trên không gian mạng; Lựa chọn xuất bản phẩm in để xuất bản dưới hình thức xuất bản phẩm điện tử.
Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn tồn tại 5 nhất là địa bàn khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; Kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất. Trong đó, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 thu nhập bình quân trong khu vực; các vấn đề như di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…chưa được giải quyết hiệu quả; khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản của vùng này còn nhiều hạn chế; chất lượng Giáo dục y tế, văn hóa ở vùng DTTS và miền núi còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước… và nhiều vấn đề liên quan như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hạ tầng…còn nhiều bất cập.
 TS. Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ về các kỹ năng làm báo
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã chia sẻ những kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi, tập trung vào các kỹ năng như: Viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào…; các kỹ năng cần thiết trong quá trình khai thác thông tin để có những tác phẩm báo chí thu hút được nhiều độc giả, mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc..
"Thông qua hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các diễn giả sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích để góp phần tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các phóng viên, biên tập viên để nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo về thông tin nói riêng", bà Nguyễn Minh Hằng chia sẻ.
Hà Giang