Xã hội
Lục Nam: Nhiều mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
05:31 PM 28/05/2023
(LĐXH) - Những năm qua, các cựu chiến binh huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã không ngại khó khăn, gian khổ, luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương và tích cực lao động, sản xuất, cùng giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nhiều năm qua, hội viên cựu chiến binh huyện Lục Nam đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế với tinh thần “xưa đánh giặc, nay xóa nghèo”. Toàn huyện hiện có hơn 15 nghìn hội viên, trong đó hơn 520 mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên cựu chiến binh làm chủ, tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất gỗ bóc của gia đình cựu chiến binh Trần Xuân Sơn

Ông Nguyễn Hữu Huân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện cho biết, xác định việc thực hiện phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên hằng năm các cấp hội đều vận động hội viên đăng ký tham gia, phấn đấu làm kinh tế giỏi. Ngoài ra, hằng năm, Hội Cựu chiến binh huyện đều phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hàng trăm hội viên; tổ chức các buổi tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để hội viên học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, thông qua nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay hơn 66 tỷ đồng và từ các tổ tiết kiệm ở các chi hội cơ sở cho hội viên vay với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho hội viên có vốn đầu tư để sản xuất, kinh doanh.
Để hoạt động phát triển kinh tế có hiệu quả, các cấp Hội Cựu chiến binh trên địa bàn huyện đã khuyến khích các hội viên phát triển mô hình kinh tế theo lợi thế vùng miền. Ví dụ với địa hình có diện tích đồi rừng nhiều, chi hội ở các xã: Lục Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Trường Sơn động viên hội viên phát triển trồng rừng kết hợp trồng cây ăn quả lâu năm. Ở các xã có đồng ruộng bằng phẳng như Bảo Sơn, Bảo Đài, Chu Điện... các hội viên tập trung trồng các loại cây rau màu ngắn ngày như dưa chuột bao tử, hành, cà chua... Qua thống kê, đến nay, huyện có hơn 10,2 nghìn hộ hội viên CCB đạt khá, giàu, chiếm tỷ lệ 70%; chỉ còn 1,9% hộ cựu chiến binh thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Tiêu biểu như mô hình trồng cây keo, bạch đàn của cựu chiến binh Trần Xuân Sơn ở thôn Ry, xã Vô Tranh cho hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.
Năm 1983 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cựu chiến binh Trần Xuân Sơn ở thôn Ry, xã Vô Tranh luôn trăn trở để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Ông Sơn chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm gỗ công nghiệp ngày càng lớn, từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và vay mượn thêm, năm 2006 tôi mạnh dạn chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn và hợp đồng với Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn trồng hơn 100 ha rừng keo, bạch đàn. Mấy năm sau, từ tiền bán gỗ, củi, một phần tôi trả nợ, một phần tiếp tục đầu tư trồng rừng”.
Đất chẳng phụ công người, hiện cựu chiến binh Trần Xuân Sơn đang trồng, chăm sóc gần 200 ha rừng. Vốn là người năng động, ông Sơn mở thêm cơ sở sản xuất gỗ bóc rộng 10 nghìn m2, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Tổng doanh thu hằng năm từ trồng rừng, sản xuất gỗ bóc là gần 4 tỷ đồng. 5 năm qua, mô hình kinh tế rừng của ông Sơn liên tục đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh.
Hay như cựu chiến binh Trần Văn Vàng ở thôn Trại Trầm, xã Tam Dị cũng đã thành công với mô hình phát riển kinh tế trang trại. Ngoài luân canh hai vụ lúa, một vụ màu với cây trồng hàng hóa như hành, tỏi, gia đình ông Vàng còn đầu tư hơn 1 ha diện tích vườn đồi làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi gồm: Lợn nái, lợn thịt, trâu bò và hàng nghìn con gà. Trên diện tích đồi rừng, gia đình ông trồng dứa, vải thiều và bạch đàn. Trung bình mỗi năm, mô hình cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cựu chiến binh Trần Văn Vàng còn giúp nhiều hội viên khác vươn lên thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cây con, giống, phương tiện sản xuất…
Để phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa sâu rộng, các cấp Hội Cựu chiến binh huyện Lục Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi ngân hàng tạo điều kiện để các hội viên đầu tư kinh doanh, sản xuất, giảm nghèo bền vững./.
Hưng Cảnh
Từ khóa: Den on dap nghia bao