Xã hội
Lâm Đồng: Tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025
11:00 PM 16/11/2022
(LĐXH) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chỉnh phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu chung giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản .

Mô hình trồng bưởi mang lại kinh tế cao góp phần giảm nghèo bền vững được tỉnh Lâm Đồng nhân rộng trên địa bàn

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3.370 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,99%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.174 hộ, chiếm tỷ lệ 2,77%; hộ cận nghèo còn 9.303 hộ, chiếm tỷ lệ 2,73%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 5.497 hộ, chiếm tỷ lệ 7,02%. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu trên giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 – 2022, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh có hiệu quả.

 Tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể của chương trình giảm nghèo trong gian đoạn 2021 – 2025 như: Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước. Đồng thời, đảm bảo nguồn vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hằng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm. Không còn hộ chính sách người có công là hộ nghèo; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.

Mô hình trồng Cà phê mang mang lại kinh tế cao ở huyện Đam Rông được nhân rộng

Về các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản,  tỉnh xác định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Chiều thiếu hụt về việc làm phải đạt 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Đồng thời, hỗ trợ kết nối việc làm tối thiểu cho  1.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Về chỉ tiêu chiều thiếu hụt về y tế, Tỉnh cố gắng phấn đấu 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo. Về chiều thiếu hụt về giảo dục dục, đào tạo cố gắng phấn đấu đạt 90%  tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 30%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.  Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Chiều thiếu hụt về thông tin: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực và đưa ra cơ chế huy động vốn để triển khai chương trình đạt mục tiêu đề ra, tỉnh dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 400.000 triệu đồng , Vốn đối ứng của ngân sách địa phương 80.000 triệu đồng, Vốn tín dụng 2.400.000 triệu đồng; Vốn doanh nghiệp, huy động từ người dân và cộng đồng  là 150.000 triệu đồng.

Lâm Đồng tập trung nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra 6 giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt mục tiêu giàm nghèo đa chiều, bền vững như:

Một là, Tỉnh tiếp tục đầu tư tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạnh hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo và tạo điều kiện để người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hai là, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững; công khai, minh bạch trong công tác rà soát hộ nghèo. 

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên cơ sở tăng định mức, mở rộng đối tượng là giải pháp quan trọng, trực tiếp tác động đến hộ, người nghèo trong việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, bảo đảm trợ cấp cho người dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh, trợ giúp pháp lý.

Bốn là, hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo, hộ cận nghèo hộ nghèo, người mới thoát nghèo các chính sách giảm nghèo theo hướng có điều kiện, có thời gian, có hoàn trả về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi... 

Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện các Chương trình mục tiêu giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý hoạt động của các chương trình.

Sáu là, đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời đúng quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng./.

Hoàng Cảnh