Xã hội
Nhìn lại kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 ở Lâm Đồng
03:40 PM 11/11/2019
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có tổng số hơn 84.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có 2.895 NKT đặc biệt nặng, 10.709 NKT đang hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng và 9.096 NKT nhẹ.
Lâm Đồng luôn có nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt giúp người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống

Từ khi triển khai Đề án 1019

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng  đã tham mưu cho Ủy ban  nhân  dân  tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 5627/KH - UBND ngày 12/10/2012 thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã thể hiện đầy đủ nội dung, tinh thần Quyết định số 1019/QĐ-TTg, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương và lộ trình thực hiện Đề án cho từng năm. Hàng năm, Sở được UBND tỉnh giao phối hợp và triển khai đến các sở, ngành, địa phương việc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình và hướng dẫn thực hiện kế hoạch.

Theo đó, các hoạt động triển khai đề án 1019 được triển khai cụ thể như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Đài PTTH, Báo Lâm Đồng để chuyển tải các chủ trương chính sách của nhà nước, pháp luật đến với NKT thông qua hình thức hội thảo, tập huấn chuyên đề, hỏi – đáp. Đồng thời, xây dựng 17.000 cuốn cẩm nang hỏi-đáp cho NKT đã giúp NKT hiểu biết về chủ trương chính sách của nhà nước, nhận rõ tính ưu việt đối với NKT trong pháp luật Việt Nam. Với hình thức và cách làm như trên, từ năm 2013 đến nay, Sở đã phối hợp với ngành Y tế và các địa phương trong tỉnh tổ chức 06 lớp tập huấn cho đối tượng là Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã với số lượng học viên 2.120 người (theo cụm huyện), 06 lớp trực tiếp cho hội viên Hội người khuyết tật tại các TP. Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Bảo Lộc với số hội viên tham gia hơn 1.000 người.

Hàng năm, Sở còn phối hợp với các cơ quan báo đài xây dựng chuyên mục, phóng sự về hình ảnh, công việc lao động sản xuất, học tập của NKT. Đồng thời phối hợp với các địa phương, Hội người khuyết tật, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo-người tàn tật và trẻ mồ côi, Đài PT-TH tỉnh, Báo Lâm Đồng tổ chức Hội nghị biểu dương NKT và người bảo trợ tiêu biểu nhằm khuyến khích mọi người cùng chung tay góp sức cho NKT và vì người khuyết tật hai năm mỗi lần.

Ngoài ra, Sở phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tổ chức phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT. Qua đótoàn tỉnh đã  có 3.538 trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc khuyết tật, 430 trẻ em được can thiệp sớm khuyết tật thông qua Chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT. Thực hiện chương trình phục hồi chức năng, đặc biệt là phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng theo mô hình của Bộ Y tế tại 12 huyện, thành phố và 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh. Có 4.693 NKT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe,  5.467 NKT được hướng dẫn phục hồi chức năng và 2.116 lượt NKT được cung cấp các dụng cụ hỗ trợ. Hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu, bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên  tham gia trực tiếp dạy trẻ  khuyết tật.

Về hoạt động trợ giúp học nghề, việc làm cho NKT, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã  đào tạo và giới thiệu 1.325 NKT cho các doanh nghiệp, cơ sở SX-KD, trong đó có 361 người có việc làm và thu nhập ổn định, 191 NKT được vay vốn giải quyết việc làm. Đồng thời tổ chức được 08 đợt cho hội viên Hội NKT đi tham quan, học tập kinh nghiệm các địa phương trong nước về mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc làm cho NKT.  

Bên cạnh đó, về  hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, Sở đã phối hợp với các ngành  thí điểm một số mô hình về tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng để nhân rộng, đặc biệt chú ý các công trình như bệnh viện, trường học, bến xe bến tàu, sân bay, khu thể thao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản các công trình xây dựng đã đảm bảo cho NKT tiếp cận, sử dụng, 08 công trình nổi bật trong gia đoạn này gồm: Trung tâm hành chính tỉnh, sân bay, bến xe, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện nhi, bệnh viện phục hồi chức năng, bệnh viện y học cổ truyền, siêu thị dành cho NKT tiếp cận, sử dụng. Hiện có 80% nhà chờ bến xe, bến tàu đảm bảo tiếp cận cho NKT, 100% công trình hàng không đảm bảo tiếp cận, đã có 4.200 người khuyết tật được giảm giá vé khi tham gia giao thông hàng không.  Toàn tỉnh đã  trợ giúp pháp lý cho  169 NKT trên địa bàn. Hỗ trợ hoạt động sáng tác hội họa, âm nhạc, thể dục, thể thao cho  07 câu lạc bộ với 297 hội viên là NKT; tổ chức 01 cuộc thi thể dục, thể thao cho NKT trên địa bàn toàn tỉnh, từ kỳ thi này chọn ra những cà nhân, tập thể xuất sắc để luyện tập đi thi cấp khu vực và quốc gia…

Đến những  kết quả nổi bật sau gần 10 năm thực hiện đề  

Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm và hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng: Qua gần 10 năm triển khai đề án 1019, Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng có 70% số NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau (đạt 77,57%); 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật (đạt 51%). Có 430 trẻ em khuyết tật được can thiệp sớm bằng biện pháp y học và 2.116 NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp (đạt chỉ tiêu).

Về giáo dục hòa nhập được xây dựng từ bậc học thấp nhất đến bậc cao, 80% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục (đạt 0,76%), trong đó 60% có khả năng học tập sẽ được học ở bậc cao hơn (đạt 0,72%). Có 2000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề, có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định tại các cơ sở dạy nghề, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (chỉ có 361 NKT); 60% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT; 50% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Chỉ đảm bảo từ 5 – 7%);  0,9% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt  động văn hóa, nghệ thuật và  biểu  diễn  nghệ thuật; 2,5% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao.  100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 80% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ NKT (đạt chỉ tiêu); 40% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT và 27% NKT được tập huấn các kỹ năng sống (không đạt chỉ tiêu).

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Việc bố trí vốn cho từng hoạt động của đề án chưa tương xứng và phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để thực hiện được các mục tiêu của đề án cần có sự đầu tư nhiều hơn của nhà nước (TW + địa phương) và đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn lực với việc lồng  ghép các chính sách, chương trình khác, đặc biệt tăng cường huy động và bổ sung nguồn lực cho cấp xã. Các ngành, địa phương chưa đầu tư đúng mức cho các hoạt động của Đề án tại địa phương, đơn vị mình. NKT và tổ chức người khuyết tật chưa được quan tâm, tạo điều kiện nhiều trong giai đoạn vừa qua. Công tác tuyên truyền còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Công tác phối hợp triển khai Đề án giữa các ngành, đoàn thể và địa phương chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của địa phương, đơn vị mình trong việc triển khai Đề án.

Tỉnh kiến nghị các Bộ ngành và Chính phủ cần sửa đổi bổ sung Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội lên ngang bằng với mức sống tối thiểu để đảm bảo cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội. Xem xét, có cơ chế tạo điều kiện cho NKT tham gia giám sát các công trình công cộng, nhà chung cư đảm bảo điều kiện tiếp cận cho NKT.  Tạo điều kiện để NKT được đăng ký xe máy 03 bánh và cấp bằng lái xe. Bổ sung đối tượng NKT nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội (quy định hiện nay chỉ tiếp nhận NKT đặc biệt nặng). Cần có Quy định và công nhận người mù là đối tượng NKT nặng trở lên để làm cơ sở xét trợ cấp xã hội thường xuyên. Quy định và công nhận người NKT thần kinh, tâm thần (phân liệt và chứng động kinh) là NKT đặc biệt nặng để đối tượng được hưởng chế độ chăm sóc và tiếp nhận vào nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm NKT) từ 270.000đ/hệ số (mức Chính phủ quy định hiện nay) lên 350.000đ/hệ số, phần chênh lệc cao hơn 80.000đ/hệ số được cân đối từ ngân sách địa phương./.

Hoàng Cảnh