Xã hội
Kon Tum: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
01:29 PM 16/08/2021
(LĐXH) – Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được quan tâm, lồng ghép vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều mô hình ngăn ngừa, giảm thiều tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ làng xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng”; thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã, phường, thị trấn... tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xoá bỏ tư tưởng định kiến về giới, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ nạn nhân ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, tỉnh Kon Tum đã xây dựng nhiều mô hình bình đẳng giới, qua đó góp phần đảm bảo xây dựng xã hội bình yên, bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi những nguy cơ bạo lực. Nhiều mô hình hoạt động duy trì từ năm 2013 đến nay đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về giới, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tạo môi trường thân thiện, đoàn kết tại cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có Có 9/10 huyện, thành phố thành lập Ban VSTBPN để triển khai thực hiện công tác BĐG&VSTBCPN tại địa phương. Riêng đối với cấp xã mới có 99/102 xã đã thành lập Ban VSTBPN.
Lễ phát động Tháng hành động Bình đẳng giới tỉnh Kon Tum năm 2020
Điển hình là mô hình "Ngăn ngừa, giảm thiều tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” được triển khai tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà năm 2013. Đến nay, mô hình đã và đang duy trì 02 Câu lạc bộ ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; 02 tổ phòng chống bạo lực giới. Các tổ này hoạt động lồng ghép với tổ hòa giải của thôn nên công tác tiếp nhận những ý kiến, tin báo về các vụ việc bạo lực tại địa bàn được nhanh chóng và có những hoạt động can thiệp kịp thời. Qua đó, thành lập đường dây nóng và “địa chỉ tin cậy”, “nhà tạm lánh” cộng đồng; tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho 110 người về bình đẳng giới và các kỹ năng về tránh gây mâu thuẫn, góp phần giảm đáng kể nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình trên địa bàn.
Thực hiện mô hình hỗ trợ làng xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phụ trách, các văn bản sửa đổi quy ước, hương ước tại các địa phương được người dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung thêm nội dung thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể là những vấn đề về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; không  phân biệt trọng nam khinh nữ, có cách ứng xử phù hợp về giới, không phân biệt đối với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là trẻ em gái; không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong việc tham gia vào lĩnh vực đào tạo, lao động việc làm và phân chia tài sản thừa kế…việc xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước làng xã trên phạm vi toàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 848/874 thôn, làng, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước và đã được phê duyệt, qua kiểm tra rà soát 100% hương ước qui ước đảm bảo các nguyên tắc theo luật định, phù hợp với đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các nguyên tắc khác.  
Với mục tiêu giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cộng đồng, đã có nhiều dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, con của nạn nhân, như: Tạm lánh, chăm sóc y tế, tư vấn, tham vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến (khi cần thiết), Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, đã và đang được hình thành tại một số địa phương trong tỉnh. Tính đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng và duy trì 182 địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh cộng đồng và câu lạc bộ gia đình hạnh phúc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đã có sự mở rộng về số lượng và địa bàn thực hiện đã góp phần kịp thời phát hiện, tư vấn về pháp lý và sức khỏe các nạn nhân của bạo lực gia đình.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND Xã Mô Rai và các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì triển khai thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ BĐG tại Làng Xộp (dân tộc Gia Rai) và Làng Le (dân tộc Rơ Măm), xã Mô Rai, huyện Sa Thầy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể trên địa bàn xã về công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời khi bạo lực xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền vận động sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Thông qua hình thức tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, Kon Tum đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; lắp đặt các panô, khẩu hiệu, áp phích, băng rôn; cung cấp thông tin địa điểm tư vấn cố định, thành phần tổ tư vấn, tư vấn pháp luật, chính sách BĐG; bạo lực gia đình; vi phạm trong hôn nhân, gia đình; tư vấn, hòa giải cho các hộ gia đình khi có vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, tuyên truyền về vai trò, vị trí của phụ nữ, về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, hướng dẫn cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình… cho 40 lượt người.
Trong thời gian tới, Kon Tum sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác BĐG; tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về công tác BĐG và tiếp tục triển khai thực hiện các Mô hình về BĐG trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất BĐG hoặc có nguy cơ bất BĐG; Triển khai “Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở” giới năm từ ngày 15/11-15/12/2021; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030…
Thục Quyên