Thời sự
Khó khăn và nguyên nhân trong công tác triển khai Quyết định 1956
10:17 AM 06/09/2018
(LĐXH) - Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, hạn chế cần tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới…
Vẫn cần tiếp tục nỗ lực trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở các cấp, các ngành và địa phương
Kết quả trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có hiệu quả cao hơn đạt hơn 80% (vượt chỉ tiêu đề ra), có 24,50% số người thuộc hộ nghèo sau khi đào tạo nghề có việc làm và đã thoát nghèo, 4,40% số người sau khi đào tạo nghề đã trở thành hộ khá. Đặc biệt,  đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế do một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cơ sở chưa chủ động, lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hay có những giải pháp khả thi, số ít cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có nhận thức đúng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có những chỉ tiêu trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra nhưng chưa đạt thể hiện ở giai đoạn 2011-2015, số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 72% mục tiêu đề ra trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg; Giai đoạn 2010-2015 số lượng cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng mới đạt 82,56% so với mục tiêu đề ra trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg;  Trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 9/2017 số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp mới đạt 20,60% mục tiêu đề ra trong Quyết định số 971/QĐ-TTg. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng (Vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đạt hiệu quả thấp nhất). Cơ cấu, trình độ đào tạo bất hợp lý, đa phần các địa phương mới chú trọng đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng, cả nước có khoảng 19% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kĩ thuật. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề thấp; tỷ lệ người học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo chưa đạt yêu cầu. Nhiều danh mục nghề đào tạo chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới. 
Nguyên nhân có thể kể ra một phần do công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số nơi vẫn còn hạn chế về nội dung và phương thức. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản của một số bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ, thực hiện kém hiệu quả. Một số chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế tại các địa phương, chẳng hạn như, kinh phí hỗ trợ chi phí đào tạo nghề áp dụng với nữ không quá 55 tuổi, nam không quá 60 tuổi, trong khi ở các địa phương số người lao động trên 60 tuổi vẫn còn nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng nghề nhưng không được hỗ trợ; theo QĐ số 1956/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2009 với mức hỗ trợ tiền ăn 15.000 đ/người/ngày đến nay là quá thấp và chưa đủ mạnh để khuyến khích người dân học nghề, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề. Chưa có giải pháp quyết liệt, khả thi để thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt. Chưa có cơ chế, chính sách gắn kết chặt chẽ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề ít, giải ngân chậm, chưa lồng ghép tốt giữa các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho nông dân và nông thôn. Tâm lý ỷ lại cấp trên còn nặng. Xã hội còn quá coi trọng bằng cấp, chưa coi trọng học nghề.
NHB
 
Từ khóa: GDNN; 1956