Xã hội
Hoàn thiện đo lường nghèo đa chiều trẻ em ở Việt Nam
05:31 PM 24/04/2018
(LĐXH) - Ngày 24/4/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức họp kỹ thuật tham vấn báo cáo nghiên cứu đo lường nghèo đa chiều trẻ em ở Việt Nam.
Tham dự, có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; bà Lesley Miler - Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Lợp quốc (UNICEF); ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; đại diện các Bộ, ban, ngành cùng các chuyên gia tư vấn về nghèo đa chiều tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó quy định: Giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo  mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, nghành liên quan, tổ chức phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và các địa phương tiến hành nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/2015/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020” và Quyết định số 59/2015/QĐ-Ttg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
Trong quá trình thực hiện, xuất phát từ thực tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tiến hành nghiên cứu phương pháp luận về nghèo đa chiều trẻ em để lồng ghép vào khung đo lường nghèo đa chiều quốc gia.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UNCEF, Tổng cục Thống kê đưa ra phương pháp đo lường nghèo đa chiều của trẻ em, đây được coi là bước đột phá mới trong cách tiếp cận giảm nghèo ở Việt Nam; tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều được sử dụng để nghiên cứu, đánh giá thực trạng về trẻ em nghèo theo từng nhu cầu phát triển của trẻ, là căn cứ để UNICEF khuyến nghị xây dựng các chính sách, chiến lược để tạo điều kiện cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần cho đến khi trưởng thành.
Trong hai năm qua, UNICEF đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện nghiên cứu: “Cải thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều trẻ em và lồng ghép hài hòa với nghèo đa chiều chung”. Đây là một bước quan trọng hướng tới làm sáng tỏ mức độ thiếu hụt và dễ bị tổn thương cụ thể  mà trẻ em đang phải đối mặt bằng phương pháp đo lường nghèo đa chiều trẻ em (MDCP), và làm cho đo lường nghèo của hộ gia đình nhạy cảm hơn với những nhu cầu và tính dễ bị tổn thương ở trẻ em thông qua lồng ghép hài hòa một số chỉ tiêu nghèo đa chiều trẻ em vào nghèo đa chiều chung.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, việc áp dụng đo lường nghèo đa chiều trẻ em mới chỉ dừng lại ở việc giám sát mức độ thay đổi trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của trẻ em, chưa được sử dụng trong việc xác định đối tượng thụ  hưởng chính sách giảm nghèo nói riêng và an sinh xã hội nói chung, cũng như chưa có nhiều đóng góp cho việc hoạch định chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cả nước cũng như tại các địa phương.
Hiện nay. Việt Nam áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều là sự kết hợp giữa đo lường nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm: ý tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, tiếp cận thông tin. Trong đó có các chỉ số đo  lường cơ bản tương thích với các chỉ số đo lường nghèo trẻ em đang được thực hiện.
Lesley Miler, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
Theo bà Lesley Miler, trong quá trình triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDG), việc cần phải thể chế hóa phương pháp đo lường tính toán nghèo đa chiều trẻ em là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo việc giám sát theo dõi mục tiêu SDG được thực hiện một cách có hệ thống. Hơn nữa, lồng ghép MDCP vào đo lường nghèo nói chung cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp chính sách. Như vậy, việc phân tổ các dữ liệu, phân tích khoảng trống và nắm bắt các rủi ro tiềm ẩn và thông tin của những trẻ em dễ bị tổn thương nhất là rất quan trọng trong việc cân nhắc các lựa chọn chính sách vì sự phát triển bền vững.

Các chuyên gia tư vấn trình bày kết quả nghiên cứu
Với mục đích chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đánh giá việc đo lường nghèo đa chiều trẻ em thời gian qua, đề xuất nâng cao chất lượng các chỉ số, bổ sung để lồng ghép vào nghèo đa chiều quốc gia phục vụ cho việc xã định đối tượng thụ hưởng, hoạch định chính sách trẻ em theo Luật Trẻ em 2016, các kết quả nghiên cứu được trình bày tạị Hội thảo sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có thêm những gợi ý trong việc hoạch định chính sách cho trẻ em trong thời gian tới, đồng thời xác định lộ trình tích hợp được các chỉ tiêu đo lường nghèo đa chiều trẻ em trong hệ thống đo lường nghèo đa chiều quốc gia.

Nam Khánh