Xã hội
Hiệu quả thực hiện bình đẳng giới tại Đắk Lắk
06:02 PM 09/04/2019
(LĐXH) – Trong những năm qua, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên công tác bình đẳng giới (BĐG) ở Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Diễn đàn về bình đẳng giới ở Đắk Lắk thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu
đến từ các Sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh

Ông Nguyễn Duy Tuyết – Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và BĐG (Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk) cho biết: “Trên cơ sở Luật Bình đẳng giới đã được ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai đến cán bộ, hội viên các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, chỉ đạo các tổ hoà giải ở cơ sở thực hiện hiệu quả việc hoà giải, hàn gắn mâu thuẫn trong các gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về phòng chống bạo lực gia đình và vì sự tiến bộ của phụ nữ bằng nhiều hình thức phong phú như: phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng, thường xuyên lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong các đợt sinh hoạt chính trị, những hoạt động văn hóa, thể thao… 

Đặc biệt nhiều mô hình truyền thông về BĐG và Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) được duy trì hoạt động và tiếp tục mở rộng; một số mô hình, câu lạc bộ được cải tiến phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể và phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm tạo các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia như: Hội LHPN tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng các mối quan hệ trong gia đình hộ phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng, tiến bộ” gắn với triển khai thực hiện các hoạt động Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” và Chương trình Giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Hội thi “Gia đình hạnh phúc” ở cấp huyện, tỉnh.

Ông Tuyết cho biết thêm: Với sự tham mưu tích cực của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ nữ không ngừng trưởng thành và phát triển. Theo đó: trong năm 2018 tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng tỉnh Đắk Lắk là 7/56 đồng chí, chiếm tỷ lệ: 12,5%; Cấp ủy cấp huyện, thị xã, thành phố là 104/758 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,72%; Cấp ủy xã, phường, thị trấn: 771/4.536 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17%.

Về tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, cấp tỉnh có 19/85 người đạt 22,35%, giảm 4,7% so với nhiệm kỳ 2011-2016 (23/85 người). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp huyện có 139/566 người, đạt 24,56%, tăng 1,41% so với nhiệm kỳ 2011-2016 (129/557 người). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp xã có1.308/5.510 người, đạt 23,74%, tăng 5,52% so với nhiệm kỳ 2011- 2016 (996/5.464 người).Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khóa XIV là: 2/9 người, chiếm 22,22%, giảm 10,78% so với khóa XIII (3/9 người). Số lãnh đạo nữ cấp Sở và tương đương 12 nữ/108 người, đạt tỷ lệ 11,11% và Số lãnh đạo nữ cấp phòng và tương đương là 12 nữ/108 người, đạt tỷ lệ 11,11%.

Bên cạnh đó, các hoạt động giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế lao động, việc làm đã được cải thiện, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng ngày tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội. Kết quả, số lao động được giải quyết việc làm năm 2018 khoảng 29.100 người (trong đó việc làm tăng thêm 15.900 người); lao động nữ: 13.380 người; lao động dân tộc thiểu số: 9.500 người), đạt 104,67%. Số lao động nữ được đào tạo nghề là: 12.447/32.978 người, chiếm 37,74%, Doanh nghiệp có nữ làm chủ 1.685/6.361 doanh nghiệp, chiếm 26,49%, trong đó 631 doanh nghiệp tư nhân có nữ giới làm chủ/2.003 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 31,50%; 1.054 công ty TNHH MTV có nữ giới làm chủ/4.358 tổng số công ty TNHH MTV, chiếm 24,19%.

Số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn/tổng số hộ nghèo được vay vốn là: 24.398/51.512, đạt 47,36% ( trong đó số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn/tổng số người được vay vốn tín dụng là 24.398/202.037, đạt 12,07%: Số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là người dân tộc thiểu số được vay vốn/tổng số hộ người dân tộc thiểu số được vay vốn: 11.715/59.226, đạt 19,78%. Có 05 nữ công chức của Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung, lĩnh vực phong phú. Chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp, y tế như: ứng dụng quy trình sản xuất chế phẩm lên men Lactic để ủ chua một số phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; xây dựng mô hình nấm chân dài... Nhìn chung, thời gian qua, cán bộ nữ ở mọi cương vị trên địa bàn tỉnh đều có sự nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra…

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Duy Tuyết thì bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác BĐG tại Đắk Lắk trong năm qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công chức về công tác BĐG còn mang tính hình thức, chưa tích cực; Thành viên phụ trách công tác bình đẳng giới và thành viên Ban vì tiến bộ của phụ nữ (cấp tỉnh, huyện) thường xuyên thay đổi. Công tác tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức của người dân tộc thiểu số chưa đồng đều; Kiến thức về giới, BĐG và kỹ năng lồng ghép giới của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác BĐG nói riêng còn thiếu và yếu; Khoảng cách giới vẫn còn khá lớn, bất BĐG vẫn còn tồn tại và phần lớn nghiêng về phía phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ người đồng bào dân tộc, phụ nữ vùng sâu, vùng xa.

Lê Việt