Xã hội
Hậu Giang nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững
08:57 AM 20/12/2021
(LĐXH)- Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời tiết diễn biến không thuận lợi, song cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hậu Giang đã tăng cường chỉ đạo, điều hành và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực.
Đặc biệt, với sự tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt được một số kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tính đến cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), toàn tỉnh còn 4.952 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,46% và 5.556 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,76%.
Được biết, nhằm triển khai hực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đề ra. Đồng thời, chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nhờ được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhiều gia đình do phụ nữ làm chủ ở Hậu Giang đã vươn lên thoát nghèo

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang còn tạo môi trường thuận lợi để người nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và tự lực vươn lên thoát nghèo; tập trung cải thiện, nâng cao mức sống của người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo… Tỉnh cũng xác định, đối với nhóm hộ nghèo có đất sản xuất, có phương tiện dụng cụ sản xuất, chí thú làm ăn, tỉnh ưu tiên cho hộ tiếp cận nghèo nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nhóm hộ nghèo có ít đất sản xuất, thiếu phương tiện dụng cụ sản xuất nhưng không biết cách làm ăn thì tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm chuyển đổi ngành nghề; nhóm hộ trông chờ ỷ lại thì giao cho các đoàn thể địa phương giáo dục, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo; nhóm hộ già yếu, neo đơn hoặc ốm đau, bệnh tật kéo dài... thì hỗ trợ bằng các chính sách xã hội.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi để các hộ phát triển sản xuất, dự ước trong năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho trên 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với số tiền cho vay gần 70 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề cho 780 lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, với kinh phí 1,25 tỷ đồng. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp người nghèo, cận nghèo có được tay nghề cần thiết, từ đó một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm tại chỗ và cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo.
Từ nguồn vận động Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 700 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với số tiền gần 28 tỷ đồng.
Đến nay, Hậu Giang có trên 100.000 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT, với kinh phí thực hiện trên 80,4 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 6.004 hộ nghèo về thu nhập, tổng số tiên hơn 3,53 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có 5.758 lượt học sinh thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; các ngành, tổ chức chính trị, xã hội, hội đoàn thể các cấp tổ chức vận động, quyên góp tặng dụng cụ học tập, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa, con hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí 3,581 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hậu Giang đã triển khai trợ cấp quà Tết cho hộ nghèo trên địa bàn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Kết quả, nguồn ngân sách của tỉnh đã hỗ trợ cho 9.774 hộ nghèo có điều kiện ăn Tết, với tổng số tiền 4,887 tỷ đồng.
Về việc hỗ trợ người dân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong năm 2021, Hậu Giang đã hỗ trợ tiền ăn cho 2.248 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch, kinh phí thực hiện hơn 1,85 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 6.330 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với số tiền 6,33 tỷ đồng; hỗ trợ 95.000 suất ăn, 3.333 phần quà theo Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”, kinh phí 10,849 tỷ đồng…
Có thể thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Hậu Giang đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia của cộng đồng đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đạt mục tiêu đề ra, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ nét, diện mạo nông thôn trong tỉnh có nhiều khởi sắc, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Việt