Xã hội
Gia Lai: Nỗ lực thực hiện chính sách bảo trợ xã hội
04:55 PM 16/11/2021
(LĐXH) - Năm 2021, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Lao động – TBXH; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời của các Sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, ngành Lao động- TBXH Gia Lai đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Sở Lao động – TBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định, chương trình, đề án giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể: Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.
Hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP Ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Bộ Lao động – TBXH ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động- TBXH đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP kể từ ngày 01/7/2021. Đề xuất xin chủ trương Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Hiện nay, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 35.596 đối tượng, 3.290 đối tượng nhận chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng.
Đối với chính sách trợ giúp đột xuất, Sở Lao động – TBXH triển khai cấp gạo thiếu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và trong thời gian giáp hạt năm 2021 với tổng số gạo là 1.037,970 tấn gạo, cấp cho 16.933 hộ, 69.198 khẩu trên địa bàn 14 huyện và thành phố Pleiku. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo đợt 1 cho người dân trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục đề xuất hỗ trợ gạo đợt 2 cho người dân có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với tổng số hộ, số khẩu đề nghị hỗ trợ là 3.439 hộ với 13.767 khẩu, tổng số gạo đề nghị hỗ trợ là 206.505 kg. Tham mưu phân bổ kinh phí thăm tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10).
Căn cứ Kế hoạch số 970/KH-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc tổ chức đón công dân của tỉnh Gia Lai có hoàn cảnh khó khăn, cấp bách từ vùng dịch về địa phương, kết quả tỉnh đã đón tổng số 1.563 công dân (trong đó 285 phụ nữ mang thai) về địa phương.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đã thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật và người lang thang sống tại Trung tâm, đảm bảo ăn uống đúng chế độ và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên quan tâm, chăm sóc sức khỏe của các cháu và các cụ, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với những cụ già yếu, bị bệnh nặng; duy trì tốt chế độ tập luyện phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật. Tổ chức tốt các hoạt động cho các cháu, các cụ, nhất là vào dịp Lễ, tết và kỷ niệm các ngày lễ lớn. Tổng số đối tượng Trung tâm quản lý, chăm sóc hiện nay là 119 người. Trong đó trẻ mồ côi, khuyết tật 56 cháu; người cao tuổi, khuyết tật 60 người; người lang thang không nơi nương tựa 3 người. Phòng Dịch vụ công tác xã hội thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại đối tượng lang thang, xác định thông tin, người thân của đối tượng để đưa về hòa nhập cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ các cháu mồ côi, tư vấn cho các đối tượng, hộ gia đình cần sự trợ giúp.
Tại Làng trẻ em SOS Pleiku, đến nay đã đưa vào sử dụng 12 nhà trong Làng và 01 lưu xá thanh niên thuê ngoài đang chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Hiện nay, Làng đang nuôi dưỡng 127 trẻ mồ côi, trong đó có 101 trẻ người dân tộc thiểu số. Làng trẻ em SOS Pleiku thường xuyên quan tâm công tác nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là các mẹ chu đáo việc chăm sóc sức khỏe, sự phát triển thể chất cũng như tâm sinh lý của trẻ.  
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, thời gian tới, tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho những người yếu thế trong xã hội, đảm bảo cơ bản các đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn (người tàn tật nặng, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người già sống cô đơn không có nguồn nuôi dưỡng...) được hưởng trợ cấp xã hội.  Theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các hoạt động cứu trợ và đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả.
 
Hồng Phượng