Xã hội
Đồng bào các tôn giáo tỉnh Nam Định tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19
03:07 PM 30/08/2021
(LĐXH)-Nam Định là một tỉnh đồng bằng phía Bắc, có diện tích tự nhiên 1650 km2, gồm 10 đơn vị hành chính (9 huyện và 1 thành phố), dân số xấp xỉ 2 triệu người. Trong những năm vừa qua, cùng với việc phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo được công nhận và hoạt động, đó là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Các tôn giáo ở Nam Định có dấu ấn đậm nét, điển hình của cả nước về cơ sở vật chất, ý thức và niềm tin tôn giáo, số lượng chức sắc và tín đồ.
Về Phật giáo, tỉnh hiện có có 838 chùa; 848 tăng, ni và khoảng trên 15 vạn tín đồ (nếu kể cả những người chịu ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo, có tới 65% dân số của tỉnh). Công giáo gồm trọn vẹn Giáo phận Bùi Chu và 1 phần Giáo phận Hà Nội; có 141 xứ - nhà thờ xứ (Giáo phận Bùi chu 119 xứ và Giáo phận Hà Nội 22 xứ), 521 nhà thờ họ, 513 nhà Nguyện; 02 giám mục, 191 linh mục, 134 chủng sinh đang học tại Đại chủng viện, trên 47 vạn giáo dân (chiếm 25% dân số toàn tỉnh); 6 dòng tu với 39 cơ sở dòng và 1000 nữ tu khấn trọn; có cơ sở II Đại chủng viện Hà Nội đóng tại Tòa Giám mục Bùi Chu (tháng 9/2010 sẽ khai giảng khóa đầu tiên với 33 chủng sinh). Đạo Tin lành có 2 Hội Thánh Tin lành thuộc Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) do 2 mục sư và 1 mục sư nhiệm chức quản nhiệm, có 02 nhà thờ với 670 tín đồ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số điểm, nhóm Tin lành và một số hệ phái chưa được công nhận tư cách pháp nhân.

Thượng tọa Thích Quảng Hà phát biểu giao nhiệm vụ và động viên chư Tăng tình nguyện viên lên đường chống dịch Covid-19
Xác định được vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hướng dẫn chuyên môn của Ban Tôn giáo Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể công chức, nhân viên, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm, thực hiện. . Bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã từng bước củng cố, kiện toàn, phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cho chức sắc, nhà tu hành , chức việc, tín đồ các tôn giáo…
Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo nên tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật và đi vào nề nếp. Các ban, ngành chức năng, các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp, thống nhất tham mưu cho thường trực cấp ủy, UBND chỉ đạo và giải quyết những vụ việc liên quan đến tôn giáo theo đúng chức năng của từng cấp, đạt hiệu quả cao. Sở Nội vụ ở cấp tỉnh, phòng Nội vụ ở cấp huyện đã tham mưu xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo kịp thời, đúng pháp luật; tạo điều kiện để chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ các tôn giáo thực hành, bầy tỏ niềm tin tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”. Chức sắc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đặc biệt trong công tác giải quyết các nhu cầu sinh hoạt chính đáng của các tổ chức tôn giáo và bà con giáo dân đều được đáp ứng và cơ bản theo quy định của pháp luật.
Xác định công tác vận động quần chúng là một trong những mặt quan trọng của công tác tôn giáo nên công tác vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban, ngành của tỉnh Nam Định coi trọng. Các ngày lễ trọng, những sự kiện lớn của các tôn giáo, ngày tết cổ truyền của dân tộc, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh, đến xã đều tổ chức các đoàn đến chức mừng, thăm hỏi, động viên chức sắc, nhà tu hành đứng đầu giáo hội, những cơ sở thờ tự tiêu biểu, qua đó tạo ra không khí gần gũi, hiểu biết nhau. Chức sắc, nhà tu hành khi ốm đau, khó khăn, qua đời đều được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, thăm viếng, chia ưu. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền của tỉnh hàng năm có tiếp xúc, gặp gỡ với các Giáo hội địa phương để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, của chức sắc, nhà tu hành, đẻ các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, phát động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung sức phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng bào các tôn giáo trong tỉnh Nam Định đã hưởng ứng có hiệu quả các cuộc vận động do các cấp , các ngành phát động và thể hiện nội dung các cuộc vận động thành nội dung gần gũi với tín đồ các tôn giáo như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” và “Xây dựng chùa tinh tiến. Xây dựng “Xứ, họ không ma túy” của Công giáo; xây dựng “Tâm sáng hướng thiện” của Phật giáo…
Chư Tăng tình nguyện viên tỉnh Nam Định tham gia tuyến đầu chống dịch nhằm giảm tải cho lực lượng y tế, giúp chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19
Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và của các cấp chính quyền trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định đã ban hành các văn bản thông báo, kêu gọi bà con tín đồ tham gia phòng, chống dịch bệnh. Mới đây - chiều ngày 25/8/2021, tại Trúc lâm Thiên Trường - Trụ sở Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ xuất quân tình nguyện đợt 2 tham gia tuyến đầu chống dịch Covid - 19. Đợt xuất quân lần này có 10 Chư Tăng tham gia hỗ trợ, phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 13, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi đi Chư Tăng tình nguyện viên đều đã trải qua khóa học tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế; đã được tiêm  vắc xin phòng Covid-19 và có kết quả âm tính xét nghiệm RT- PCR.
Theo Thượng tọa Thích Quảng Hà, hơn lúc nào hết với tinh thần từ bi nhập thế của đạo Phật, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Tăng ni  tỉnh Nam Định và Tăng ni sinh trường TCPH tỉnh Nam Định nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch, nguyện đóng góp công sức của mình khi Tổ quốc cần, nguyện hành Bồ tát đạo, hướng về miền Nam ruột thịt, yêu thương. Đồng thời, Thượng toạ biểu dương và trân quý tinh thần dấn thân vì cộng đồng của chư Tăng tình nguyện viên. Với nhiệt huyết tuổi trẻ đã sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ đầy ý nghĩa nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Mong các vị sẽ là những đại diện tiêu biểu cho Tăng ni của tỉnh nhà, lan toả hình ảnh đẹp của "người chiến sĩ áo nâu" đến cộng đồng và xã hội. Góp phần nhỏ của mình vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống an vui và hạnh phúc cho nhân dân.
Thời gian tới, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương; tích cực tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động./.
Mỹ Hạnh