Xã hội
Chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng là thể hiện đạo lý của dân tộc
08:52 AM 13/06/2018
(LĐXH)- Chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm có ý nghĩa, thể hiện lòng tri ân của xã hội với những đóng góp, hy sinh to lớn của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), ngôi nhà tình nghĩa của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Năm, sinh năm 1923, có 2 con là liệt sĩ chống Mỹ, ở thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch (Quốc Oai, Hà Nội) đã được khánh thành.
Ngôi nhà rộng gần 100m2, đổ mái bằng kiên cố. Kinh phí xây dựng ngôi nhà tình nghĩa này do huyện Quốc Oai trích Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hỗ trợ 40 triệu đồng; Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hà Tây hỗ trợ vật liệu trị giá 12 triệu đồng; các chủ lò gạch trên địa bàn ủng hộ 30.000 viên gạch; Công ty Duyên Hải (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ 150 triệu đồng; nhân dân trong xóm ủng hộ ngày công.
Lãnh đạo xã Hòa Thạch chia sẻ, đây là món quà đầy ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các nhà hảo tâm, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Các địa phương Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo tới đối tượng chính sách người có công
Với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Huy, xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội), dù con trai không trở về sau chiến tranh, nhưng mẹ luôn nhận được sự quan tâm của bà con chòm xóm, các cơ quan đoàn thể. Không chỉ được nhận phụng dưỡng suốt đời, vào các dịp lễ, Tết, mẹ đều được các cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên.
Mẹ Trần Thị Huy tâm sự: “Hàng năm, mẹ được các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Tuổi già được quan tâm thế là vui và khỏe ra nhiều rồi”.
Đối với bà Ngô Thị Kha (phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội), dù đã bước sang tuổi 63, nhưng bà vẫn đều đặn đến nhà tình nghĩa (bây giờ là Trung tâm Hội người mù của quận Đống Đa) để chăm sóc các đối tượng chính sách, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Kha tâm sự: “Là người được sống trong hòa bình, độc lập, hơn ai hết tôi càng biết ơn các thế hệ đi trước. Chỉ mong sao các mẹ luôn mạnh khỏe, sống vui, trở thành những cây cao bóng cả cho thế sau noi theo”.
Bà Ngô Thị Kha và Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhung
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhung, đang được chăm sóc tại đây cho biết, nếu không có sự chăm sóc tận tình của bà Kha thì khó có được tuổi thọ như ngày hôm nay. Mẹ bảo rằng bây giờ, tuổi già sức yếu, ăn uống đạm bạc, đi lại cực nhọc, vì thế bà Kha như là tay chân, là mắt của mẹ. Có việc gì khó khăn, mẹ lại gọi bà Kha sang nhờ giúp đỡ.
Chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm có ý nghĩa, thể hiện lòng tri ân của xã hội với những đóng góp, hy sinh to lớn của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ nhiều năm nay, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được các cơ quan chức năng và các tầng lớp nhân dân của thành phố chung tay, bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa...
Các địa phương của thành phố đều vận động các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng những việc làm ý nghĩa như: Sửa chữa nhà, tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, mua sắm các phương tiện sinh hoạt cá nhân, thăm hỏi và tặng quà nhân các ngày lễ, Tết, mời các mẹ đi dự hội nghị tổng kết, kỷ niệm của ngành và địa phương.
Khi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua đời đều được đơn vị nhận phụng dưỡng cùng gia đình và địa phương tổ chức mai táng trang trọng. Các đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của thành phố trong thời gian qua phải kể đến Bệnh viện 354 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Xăng dầu Hàng không Việt Nam, Công ty Xăng dầu khu vực I, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu bao bì, Lữ đoàn 239 Công binh, Học viện Cảnh sát nhân dân, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài…
Với những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng không còn người thân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân công nhiệm vụ cho 2 trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của thành phố trực tiếp nuôi dưỡng đến cuối đời. Trong thời gian nuôi dưỡng tại trung tâm, các mẹ được bố trí phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, khi ốm đau được đưa về các cơ sở y tế điều trị.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết: Cùng với việc chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được công nhận, các quận, huyện, thị xã còn đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng, lưu danh muôn đời. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và là trách nhiệm của thế hệ hôm nay dành cho các mẹ, các cơ quan chức năng, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố tiếp tục phối hợp để việc phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ được chu đáo, ân tình hơn…/.
PV