Xã hội
Cải cách chính sách BHXH hướng đến mục tiêu an sinh xã hội bền vững
03:14 PM 13/07/2018
(LĐXH) - Nhằm góp phần tuyên truyền, đưa Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) vào cuộc sống, tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về chính sách BHXH, ngày 12/7/2018, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu an sinh bền vững”.
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII vừa qua, Ðề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong ba đề án rất quan trọng được Hội nghị T.Ư đưa ra thảo luận. Ðây là vấn đề được cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và cũng được xem là thời điểm phù hợp để tiến hành cải cách chính sách BHXH...
Theo đó, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với mục tiêu để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Các đại biểu tham gia buổi giao lưu trực tuyến
Nghị quyết đã nêu bật 11 nội dung cải cách, trong đó đề cập đến các vấn đề quan trọng như: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; Đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức; Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ; Đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức…
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp
Trước câu hỏi về ý nghĩa của chính sách BHXH đối với việc đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chính sách BHXH đều được coi là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Bởi vì, chính sách BHXH ngoài ý nghĩa về kinh tế, xã hội còn có ý nghĩa chính trị do phạm vi tác động rộng lớn không chỉ đối với người lao động đang làm việc mà cả người lao động đã hết tuổi lao động; không chỉ lao động khu vực chính thức mà cả lao động phi chính thức.
Về ý nghĩa kinh tế: Chính sách BHXH giúp người lao động và gia đình họ ổn định cuộc sống thông qua cơ chế bù đắp phần thu nhập bị giảm, bị mất khi người lao động gặp phải các rủi ro trong quá trình lao động như: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; thất nghiệp; hưu trí; tử tuất. Bên cạnh đó, quỹ BHXH luôn là một quỹ tài chính lớn nhất ngoài ngân sách nhà nước. Khi nguồn kết dư quỹ BHXH được sử dụng một cách hiệu quả sẽ trở thành nguồn tài chính lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Về ý nghĩa xã hội: Chính sách BHXH tạo sự gắn kết xã hội, đoàn kết giữa các thế hệ thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro giữa người trẻ, khỏe cho người già, yếu; giữa người may mắn ít gặp rủi ro với người không may mắn gặp nhiều rủi ro; giữa doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực ít có nguy cơ sa thải lao động với doanh nghiệp nhỏ nguy cơ sa thải nhiều lao động.
Về ý nghĩa chính trị: Chính sách BHXH thông qua chức năng thị trường lao động tích cực (Chính sách tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp) giúp cho doanh nghiệp sử dụng người lao động lâu dài, có các biện pháp chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, phòng ngừa tình trạng sai thải lao động, từ đó làm giảm tình trạng thất nghiệp giúp ổn định chính trị. Bên cạnh đó, khi thực hiện tốt chính sách BHXH chính là thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, đây là nền tảng hạn chế đình công của người lao động.
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Một số kết quả đạt được
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong 5 năm qua (2013 – 2017), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác thực hiện chính sách BHXH và đã đạt được những mục tiêu cơ bản.
Về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN: Đối tượng tham gia BHXH phát triển tăng mới được 3,25 triệu người so với năm 2012 (tăng 30,8%), bình quân mỗi năm tăng khoảng 650.000 người (6,2% năm). Đến hết năm 2017 số người tham gia BHXH là 13,82 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,3 triệu người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH), đạt 25,8% so với lực lượng lao động; số người tham gia BHTN đến hết năm 2017 là gần 11,8 triệu người đạt 22% so với lực lượng lao động.
Về giải quyết và chi trả các chế độ BHXH: Bình quân hàng năm giải quyết cho trên 150 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tại thời điểm 31/12/2017 lên gần 3,2 triệu người, tăng 18,7% so với năm 2012; trên 8,5 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; tổ chức chi trả chế độ BHTN cho trên 700 nghìn lượt người. Có thể nói, chính sách BHXH đã thực sự trở thành trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Diện bao phủ BHXH không ngừng được mở rộng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng.
Về lý do phải cải cách chính sách BHXH
Trong thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Thể hiện:
- Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới.
- Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh.
- Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục.
- Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.
- Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.
- Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập.
Trước câu hỏi về thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung và thu hẹp khoảng cách giới trong quy định này, Thứ  trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Theo dự kiến, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ được thực hiện từ năm 2021. Phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ được đưa vào Bộ luật lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Dự kiến có 2 phương án được đề xuất:
- Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.
- Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Trước những ý kiến lo ngại việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm gia tăng tỷ lệ khó tìm việc ở giới trẻ, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế như: Giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học...,  tuổi hưu đã kéo dài đến 65,70. Nhưng nếu nâng tuổi hưu đồng loạt gặp rất nhiều phản ứng của người lao động, đặc biệt là nhóm người lao động ở môi trường độc hại, nguy hiểm, ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Những đối tượng này trên thực tế đã được giảm 3-5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu trung bình.
Do vậy, trong thực tế, chúng ta đã đưa ra dư luận nhưng không đúng thực tiễn dẫn đến phản ứng không đúng. Những người tham gia BHXH và những người trong quan hệ lao động chỉ chiếm 30% trong tổng số 54 triệu lao động (tức khoảng 16-17 triệu lao động); số còn lại khoảng 38 triệu lao động làm việc không nằm trong mối quan hệ lao động, không đóng BHXH người ta làm đến khi nào (như những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp người ta sẽ làm đến khi không làm được nữa). Bây giờ chúng ta muốn BHXH toàn dân mà giữ nguyên tuổi như này làm sao cân đối nổi Quỹ BHXH.
Còn có ý kiến cho rằng ở thời điểm cuộc cách mạng 4.0, chúng ta sẽ đẩy lực lượng lao động có trình độ, chuyên môn ra, nhưng thực tế không phải như vậy. Đào tạo hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo theo kế hoạch và phân bổ lao động. Còn hiện nay đào tạo theo nhu cầu, ai giỏi vẫn có việc làm.  
Cũng theo ông Bùi Sĩ Lợi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần báo cáo Chính phủ về vấn đề tuổi nghỉ hưu. Về vấn đề này, cần phải tính toán  một cách cẩn thận. Đặc biệt, cần lấy ý kiến đồng đều giữa các nhóm lao động để có phương án tính toán điều chỉnh cho hợp lý.
Nam Khánh