Thời sự
Bảo đảm an sinh xã hội trong thời điểm đại dịch COVID-19: Khẳng định vai trò của Đảng
10:51 AM 08/03/2022
(LĐXH)- Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết” và trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, linh hoạt; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, góp phần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động.
Hơn 2 năm đại dịch COVID-19 cũng như trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách quan trọng, mang tính đột phá, kịp thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người dân và doanh nghiệp.
Những chính sách chưa có tiền lệ
Đồng chí Lê Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong năm 2021 vừa qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến và được sự đồng ý về chủ trương của Bộ Chính trị, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội.  
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động đề xuất với Đảng, Chính phủ triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt hơn người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế,... nhất là trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, tham mưu trình Chính phủ ban hành hai nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2020), bảo đảm chăm lo tốt hơn cho người có công cả về vật chất và tinh thần; mở rộng diện bao phủ và nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội thông qua việc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021, về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngày 1/7/2021 lên 360.000 đồng/tháng, mở rộng cho một số nhóm đối tượng; kịp thời trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, ngày 7/12/2021, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995; mở rộng hợp tác quốc tế về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, Chính phủ đã ký Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội với Chính phủ Hàn Quốc. Đây là hiệp định đầu tiên cấp Chính phủ về bảo hiểm xã hội mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của hai quốc gia.
Tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ, như Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời tới người dân, người lao động, người sử dụng lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thăm hỏi người lao động của Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương (Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN
Có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19 đã được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng. Hai nghị quyết được triển khai với thủ tục rất thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với các chính sách đã ban hành trước đó.
Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, với điều kiện rất khó khăn, trong bối cảnh các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP đã đem lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Đây là những chính sách rất nhân văn, thể hiện sự chăm lo, hỗ trợ người dân, người lao động của Đảng, Nhà nước, chung sức, chung lòng cùng người dân vượt qua khó khăn.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP: Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 35.987 tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng (gồm 378.330 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30,9 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Trong tổng kinh phí hỗ trợ, có 15,1% từ các chính sách bảo hiểm; 78,5% từ các chính sách bằng tiền và 6,4% từ các chính sách cho vay. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,95 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.523 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (4.413 tỷ đồng), Đồng Nai (3.084 tỷ đồng), Hà Nội (2.276 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.842 tỷ đồng), Cần Thơ (998 tỷ đồng), Long An (863 tỷ đồng), Bắc Giang (858 tỷ đồng), Tây Ninh (534 tỷ đồng), Khánh Hòa (507 tỷ đồng).
Về triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP: Bảo hiểm xã hội Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi Danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 364.875 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 12.165.786 lao động thuộc diện được hỗ trợ. Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người. Có 29.970 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.868.602 lao động (gồm 11.778.559 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.043 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.519,9 tỷ đồng, việc chi trả đa số thực hiện qua tài khoản cá nhân.
Bài học kinh nghiệm
Đồng chí Lê Tấn Dũng khẳng định, đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân.
Qua đại dịch COVID-19 càng khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội, chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân.
Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh bài học kinh nghiệm đó là:
Một là, phải luôn quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm chắc tình hình, nhất là những diễn biến mới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để kịp thời xác định mục tiêu; lựa chọn chính xác những vấn đề cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để đề ra chính sách, giải pháp phù hợp, vừa có tính chiến lược, dài hạn, vừa bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cụ thể trước mắt, trong ngắn hạn nhằm tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.
Hai là, phải nhận thức đúng đắn, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận, năng lực chuyên môn và kiến thức thực tiễn để nâng tầm trong việc xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Ba là, phải luôn sâu sát, cụ thể đến từng khâu, từng công đoạn, từng địa bàn, từng đối tượng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đến kết quả cuối cùng. Kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành ở địa phương, nhất là những vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách.
Bốn là, chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới theo hướng gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; luôn coi con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng tính hiệu quả, chất lượng chính sách là cơ sở cho việc đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Năm là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách, pháp luật. Chủ động cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước để nhân dân hiểu và chia sẻ; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tham gia đối thoại làm rõ chính sách, tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Sáu là, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên; làm tốt công tác dân vận, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể ở các cấp địa phương, các doanh nghiệp nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm trong công tác an sinh xã hội, đó là: Tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tập trung vào ba nội dung: kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới an sinh xã hội theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng trên cả ba khâu: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro; với quan điểm vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích sự vươn lên của đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại, phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh đáp ứng với các cú sốc diện rộng: xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân, hộ người nghèo, người yếu thế trên địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách an sinh nhằm mở rộng sự tham gia của mọi chủ thể để cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội./.
Hồng Hà