Xã hội
Xin ra khỏi hộ nghèo - Chuyện cũ mà mới ở Đầm Hà
09:30 AM 19/11/2018
Chuyện người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không còn là hiếm và mới ở Quảng Ninh. Thế nhưng ở Đầm Hà, việc làm này đã mang đến làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo vốn đang gặp phải rất nhiều khó khăn. 183 đơn đăng ký thoát nghèo là minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền và người dân. Càng ý nghĩa hơn khi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước vốn tồn tại từ lâu trong một bộ phận người dân đang dần được xóa bỏ.
Chị Chíu Tài Múi, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, quyết tâm thoát nghèo bằng chính nghị lực của bản thân.
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao Quảng Lâm, huyện Đầm Hà. Đây là nơi có số hộ thoát nghèo cao nhất toàn huyện với 128 hộ. Điều này càng đặc biệt hơn khi xã có 98% đồng bào dân tộc thiểu số và cũng là lần đầu tiên, xã có 63 hộ đăng ký tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo. Con số này phần nào cho thấy rõ sự đổi thay tích cực về cách nghĩ, cách vươn lên thoát nghèo của bà con và đem đến tín hiệu vui trong phong trào “xóa đói giảm nghèo” ở xã 135 này.
Theo địa chỉ trên lá đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo gửi UBND xã Quảng Lâm, chúng tôi tìm đến gia đình chị Chíu Tài Múi ở bản Tài Lý Sáy. Đây cũng là hộ làm đơn thoát nghèo đầu tiên của xã. Khi được hỏi về lý do thoát nghèo, chị Múi cho biết: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo đã 3, 4 năm nay, được Nhà nước hỗ trợ vay vốn làm ăn, tạo điều kiện cho con cái học hành nhiều rồi. Giờ con cái cũng đã lớn, vợ chồng còn sức khỏe nên không muốn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nữa. Tôi cũng bàn với chồng và quyết định viết đơn đăng ký tự nguyện thoát nghèo để làm động lực, khích lệ gia đình vươn lên sản xuất, thoát nghèo, làm gương cho các con”.
Bản Tài Lý Sáy hiện có 214 hộ với 800 nhân khẩu, 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Tài Lý Sáy Chạc Sủi Sáng cho biết: Đầu năm 2018, bản có 37 hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo giảm xuống còn 12 hộ. Trong đó, 11 hộ đã tự nguyện đăng ký xin ra khỏi diện nghèo. Xã đã được Nhà nước quan tâm làm cho con đường giao thông liên thôn Tẳn Lồng - Cống Tểnh, mở ra cơ hội thoát nghèo.
Hàng trăm lá đơn đăng ký tự nguyện thoát nghèo ở Đầm Hà.
Tấm gương tự nguyện thoát nghèo tiếp theo mà chúng tôi tìm đến là gia đình ông Trần Văn Đương, thôn Thìn Thủ, xã Quảng An. Dù đã 63 tuổi, vừa phải nuôi 2 con ăn học và người vợ tàn tật nhưng ông Đương vẫn xung phong làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Ông Đương cho biết, trước đây, nhiều năm liền gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, làm lụng vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn. Năm 2016, gia đình được Hội Phụ nữ xã cho vay 15 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo. Ông đã bàn với vợ dùng số tiền đó đầu tư chăn nuôi bò, lợn và trồng keo. Được sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ nông nghiệp xã, bò, lợn đều sinh trưởng khỏe mạnh, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Cùng với 2ha rừng keo đang đến độ thu hoạch, năm nay, gia đình ước tính sẽ thu về 25-30 triệu đồng. Bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn nhiều, ông mạnh dạn xin ra khỏi diện hộ nghèo, để chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà Nguyễn Văn Tiến cho biết: Việc người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo thể hiện họ đã có ý thức trách nhiệm, không muốn dựa dẫm vào hỗ trợ của Nhà nước. Để động viên các hộ tự nguyện thoát nghèo, chúng tôi đã huy động nguồn xã hội hóa được hơn 400 triệu đồng làm phần thưởng cuối năm. Món quà tuy không lớn nhưng phần nào tiếp thêm động lực cho các hộ trong quá trình phấn đấu phát triển kinh tế gia đình. Đây là sự ghi nhận, sự trân trọng của chính quyền địa phương với những người có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hộ khó khăn có được công việc, thu nhập ổn định, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ở tuổi 63, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn
nhưng ông Trần Văn Đương vẫn xung phong xin thoát nghèo.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đầm Hà đã giảm 382 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1,83%. Có thể thấy, cái được lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở đây là không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Những tấm gương tự nguyện làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo sẽ là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên. Tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ, nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã và đang được nhân rộng. Hy vọng rằng với sự quan tâm, đầu tư hiệu quả của Nhà nước cùng với tinh thần tự lực, tự cường của người dân sẽ là tiền đề quan trọng giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Báo Quảng Ninh