Xã hội
Xã Cư Êwi: Nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững
03:55 PM 25/09/2017
(LĐXH) - Theo báo cáo của UBND xã Cư Êwi tính đến đầu năm 2017, toàn xã có tổng số 1.744 hộ dân với 8.395 nhân khẩu, trong đó hộ dân tộc thiểu số là 782 hộ với 3.856 nhân khẩu (chiếm 45.9% dân số toàn xã).
Mô hình trồng đậu xanh góp phần giảm nghèo hiệu quả ở xã Cư Êwi.
Toàn xã Cư Êwi có 375 hộ nghèo với 1.565 nhân khẩu (chiếm 20,03%). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 226 hộ với 1.199 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 69.9% hộ nghèo),  hộ cận nghèo là 654 hộ (chiếm 34.99% dân số).
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Bến – Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết: “ Cư Êwi là một trong những xã nghèo của tỉnh Đắk Lắk, và cũng là địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, phần lớn đồng bào đói nghèo là do tập quán sản xuất lạc hậu, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, trong nhiều năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo các cấp chính quyền cấp huyện, UBND xã cũng đã cho triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo của Chính phủ như 132, 134, 135, 167, 168 để từng bước phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Trong năm 2016, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, các cấp chính quyền xã đã tiến hành tập trung mọi nguồn lực để triển khai các chính sách, mô hình xóa đói giảm nghèo nhằm giúp người nghèo có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, xã cũng tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về giảm nghèo, vận động, hướng dẫn các đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, góp phần đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tăng thu nhâp nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), cũng đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống bà con ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn xã.
Theo đó, trong năm qua UBND xã đã tiến hành tham mưu triển khai, xây dựng đề án cấp bò theo Chương trình 135/2016 với tổng kinh phí 215 triệu đồng( do xã làm chủ đầu tư); Tham mưu công tác đề nghị cấp bò theo chương trình nông thôn mới với tổng kinh phí 80 triệu đồng và Cấp con giống cho hộ nghèo theo chương trình 102 năm 2016 với tổng kinh phí 26,9 triệu đồng cho 59 hộ 269 nhân khẩu.
Bên cạnh đó, UBND xã cũng triển khai cấp tiền hỗ trợ mua đất sản xuất theo chương trình 755 cho 27 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất với số tiền là 405 triệu đồng( định mức 15 triệu/hộ) và lập hồ sơ cho vay vốn ưu đãi ngân hàng chính sách xã hội với số tiền là 390 triệu đồng( định mức 15 triệu/hộ).
Mặt khác, xã cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo, cận nghèo của xã đã đều được cấp Bảo hiểm y tế. Trong năm 2016 UBND xã đã đưa về các thôn buôn với tổng số thẻ là 6.834 thẻ trong đó cấp cho đối tượng người dân vùng đặc biệt khó khăn là 3.217 thẻ, người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn là 3.229 thẻ và hộ nghèo là 388 thẻ. Vấn đề về trợ giúp pháp lý, cấp sách, vở miễn phí cho học sinh dân tộc thiểu số cũng được quan tâm và thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Hoàng Thị Bến, với những nỗ lực và quyết tâm của các cấp chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong việc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân , trong thời gian qua trên địa bàn xã đã xuất hiện khá nhiều mô hình thoát nghèo mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi bò theo chương trình 135, mô hình nuôi lợn, dê…Nhưng điển hình nhất đó là mô hình: “Trồng đậu xanh trên chân ruộng bấp bênh nguồn nước”  tại thôn 4, do Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cư Kuin phối hợp với UBND xã triển khai thực hiện từ đầu tháng 4/2017 gồm 4 hộ dân với diện tích 0,8 ha, giống đậu xanh được chọn là V94-208 với tổng kinh phí thực hiện 25 triệu đồng. Mô hình được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo đó, bà con tự nguyện đăng ký tham gia, Nhà nước đầu tư hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các loại vật tư thiết yếu khác. Và sau 3 tháng triển khai thực hiện, cây đậu xanh tại các hộ đã cho thu hoạch mang lại năng suất cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân tại đây. Hiện tại xã cũng đang tiếp nhận 85 hộ trên địa bàn xã đến đăng ký cho vụ tiếp theo”.
 Ông Lâm Đức Trọng - Trưởng thôn 4 cho biết: “ Là địa phương có điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng cằn cỗi, đất nghèo dinh dưỡng nên việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, thôn chúng tôi cũng đã thử trồng nhiều cây cho hiệu quả kinh tế cao như Cà phê, tiêu, điều nhưng cũng không thành công. Đất pha cát, pha sỏi gặp trời hạn hán nên nhiều diện tích đất lúa nông nghiệp tại địa phương không đủ nguồn nước tưới phải bỏ hoang, không thể canh tác được.  Vì vậy mà đầu năm nay UBND xã phối hợp cùng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tiến hành triển khai mô hình “Trồng đậu xanh trên chân ruộng bấp bênh nguồn nước” trên địa bàn thôn và nhìn chung mô hình mới này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Theo ông Trọng thì cây đậu xanh sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao, thời gian sinh trưởng ngắn, ra hoa đều, đặc biệt rất phù hợp với chân ruộng bấp bênh nguồn nước, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, việc chăm sóc cây đậu xanh không đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí đầu tư cũng ít hơn.. Đơn cử như 3 sào đậu xanh của gia đình ông Lộc Văn Chệch( thôn 4)_cho thu hoạch khoảng 220 kg/sào, với giá bán hiện nay khoảng 24.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập gần 4 triệu đồng”.
Có thể thấy đây đang là mô hình mới giúp người dân nói chung và người nghèo cải thiện kinh tế cũng như nâng cao đời sống, xóa nghèo bền vững.
Bà Hoàng Thị Bền cũng cho rằng: bên cạnh những kết quả đạt được, đời sống nhân dân trong toàn xã đã có nhiều thay đổi hơn trước, song công tác giảm nghèo tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Điều kiện tự nhiên, địa hình đường sá đi lại khó khăn. Phong tục tập quán của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tích cực đổi mới; Người dân còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, sản xuất; Chưa có sự phối hợp lồng ghép giữa công tác cho vay vốn với công tác khuyến nông,lâm,ngư và tập huấn hướng dẫn cách làm ăn nên việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo còn kém hiệu quả. Đa số hộ nghèo trình độ văn hóa thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất hạn chế, nắm bắt khoa học còn chậm; Hiện nay, người nghèo đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp (chính sách BHYT, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về nhà ở) dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
                                                                                   Lê Việt