Xã hội
Việt Nam với nghề công tác xã hội ứng phó với vấn đề già hóa dân số - cần truyền thông sâu rộng và hiệu quả hơn
12:51 PM 13/01/2019
(LĐXH) Theo thống kê của Tổng Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Do đó, trong thời gian tới, để các cấp lãnh đạo cũng như người dân hiểu rõ hơn về thực trạng này, đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của báo chí truyền thông, từng bước phát triển ngành nghề công tác xã hội (CTXH) phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Trên thế giới, quá trình “già hóa” dân số của các quốc gia đang ngày càng rút ngắn hơn. Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, và Thái Lan là 22 năm, trong khi ước tính ở Việt Nam chỉ khoảng 17 đến 20 năm. Tốc độ “già hóa” nhanh chóng như vậy là tình trạng rất đáng báo động, tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trong khi đó, nghề CTXH trong việc chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; đa phần các trung tâm CTXH mới chuyển đổi từ mô hình cơ sở trợ giúp xã hội sang vẫn nặng về chăm sóc nuôi dưỡng là chính, chưa đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ chăm sóc khác; cán bộ CTXH vẫn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi; nhiều người vẫn còn định kiến và e ngại đối với việc đưa NCT vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, nhà dưỡng lão…. Bởi vậy, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới. Để làm được điều đó, rất cần có sự chung tay, giúp sức của báo chí và các phương tiện truyền thông trong  việc tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp do Đảng và Chính phủ đề ra, đồng thời phản ánh lại ý kiến, nhu cầu của người dân tới các cấp lãnh đạo có thẩm quyền.
Cần đưa ngành CTXH trở thành 1 ngành nghề chuyên nghiệp trong xã hội (Ảnh minh họa)
Có thể thấy, các cơ quan báo chí luôn là kênh thông tin hữu ích giúp các cán bộ dân số, các tình nguyện viên, người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, hiệu quả từ đó từng bước chuyển đổi hành vi. Mặt khác, báo chí cũng có vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của toàn xã hội, sự lan tỏa của báo chí sẽ đi vào từng đối tượng trong xã hội, từng bước đóng góp thành công vào công tác dân số kế hoạch hóa gia đình... Do đó, trong thời gian tới, để công tác truyền thông về vấn đề già hóa dân số đạt hiệu quả và thúc đẩy ngành CTXH phát triển, các cơ quan báo chí cần thực hiện tốt việc vận động, thay đổi nhận thức cộng đồng, xã hội trong vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phát triển hệ thống BHXH, an sinh xã hội, từng bước đưa CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp trong xã hội hiện đại.
Cụ thể, cần tuyên truyền cho người dân có ý thức về việc bảo  vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục điều độ, thành lập cộng đồng sinh hoạt vì sức khỏe dành cho người cao tuổi. Truyền thông sâu rộng việc nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở để người cao tuổi khám bệnh; chú trọng công tác truyền thông trong chữa các bệnh không lây nhiễm và các bệnh thông thường khác. Đặc biệt, xây dựng hệ thống bệnh viện và tổ chức nghiên cứu lão khoa trên phạm vi cả nước; từng bước xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo điều dưỡng lão khoa phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Cần phát triển hệ thống an sinh xã hội để người lao động an tâm khi về già
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về việc phát triển bảo hiểm xã hội và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ðó là một trong những biện pháp “lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ”. Mặt khác, cần tăng cường thời lượng, mở nhiều chuyên mục đưa tin và mạnh dạn đề xuất các ý kiến hay, kiến nghị phù hợp tạo điều kiện cho người cao tuổi được tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế, từ đó mới giải quyết được vấn đề già hóa dân số trước mắt..
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc truyền thông về việc đưa CTXH thành một ngành nghề chuyên nghiệp trong xã hội. Các cơ quan báo chí cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về hoạt động truyền thông vấn đề già hóa dân số và phát triển nghề CTXH cho các nhà báo, phóng viên được phân công theo dõi mảng này. Cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng nói về ngành CTXH, , trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền làm rõ những vấn đề đang đặt ra của vấn đề già hóa dân số, từng bước đưa ra những  nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực công tác xã hội và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực công tác xã hội trong thời gian, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của các hệ thống an sinh xã hội, xóa bỏ các định kiến, ác cảm đối với việc đưa người cao tuổi vào các trung tâm chăm sóc,…

 Thành Lợi