Xã hội
Việt Nam khởi động sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”
04:58 PM 22/11/2017
LĐXH - Hưởng ứng Sáng kiến Toàn cầu 5 Năm về chấm dứt bạo lực trẻ em do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế phát động trên hơn 100 quốc gia, từ 2017 - 2022, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam hợp tác với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai sáng kiến với chủ đề “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”. Lễ khởi động sáng kiến đã chính thức được công bố sáng 22/11.

Tại sự kiện, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng và cách giải quyết mang tính thực tiễn đối với vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - hai môi trường có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.

Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin về các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em của Việt Nam

Theo Báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tháng 6 năm 2017), giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm 56,9%; tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%), đứng thứ hai là trẻ bị bạo lực trong trường học (20,1%).

Năm 2017 đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em. Đó là Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 5/9/2017; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương… Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ em, đồng thời, thể hiện những cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em.Q uan điểm tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước với các công ước, điều ước quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đại diện các Bộ ngành, các tổ chức phi Chính phủ, chuyên gia và phụ huynh học sinh cùng chia sẻ quan điểm về bạo lực thân thể trẻ em

Trên thực tế, người Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cụ thể là nhiều bậc cha mẹ và giáo viên đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và chưa đồng đều ở mọi thành phần trong xã hội. Những tư duy, quan niệm không còn phù hợp là nguyên nhân chính của vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học ở Việt Nam. Những câu thành ngữ như “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" hay “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời" vẫn được nhiểu bậc cha mẹ và thầy cô giáo sử dụng để dạy dỗ con trẻ. Cùng với đó, góc nhìn truyền thống trọng nam khinh nữ và những chuẩn mực lạc hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực tại gia đình - hệ lụy của bạo lực học đường, bạo lực lan rộng trong cộng đồng.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh bạo lực thân thể trẻ em không chỉ để lại dấu vết trên chính cơ thể mà còn hằn sâu ký ức bạo lực đó, có thể khiến trẻ ám ảnh, bị tự kỷ, suy nghĩ và hành động tiêu cực, ảnh hưởng cả với những định hướng cho tương lai trẻ. Hơn hết, bạo lực trẻ em gây ra những tổn thất vượt khỏi phạm vi gia đình. “Đòn roi sẽ chỉ làm chúng cháu sợ sệt, thậm chí trở nên lì và khó bảo hơn. Cháu e rằng sau này chúng cháu sẽ vô thức bắt chước theo bố mẹ, dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của mình. Cháu mong muốn cha mẹ sẽ dùng lời lẽ để khuyên giải, động viên, khích lệ hơn là dùng đòn roi để dạy bảo con cái”, em Lương Thị Quỳnh – Đại sứ Trẻ em của Sáng kiến chia sẻ.

Ông Warren Climenhaga: "Để chuyển mục tiêu thành hành động cần sự chung tay của cả thế giới, chungtay của mỗi chúng ta"

Ông Warren Climenhaga - Giám đốc Chương trình vùng Đông Á, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế cho rằng: “Bạo lực thân thể trẻ em là vấn đề không thể được giải quyết bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân đơn lẻ nào, mà cần sự chung sức của tất cả mọi người”.

Trưởng đại diện tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam chia sẻ với báo giới

Tại lễ khởi động, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam phát biểu: “Khi các bậc cha mẹ và thầy cô giáo thận trọng trong từng hành vi, ứng xử với con em mình thì tác động tích cực sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình và nhà trường, mà sẽ có ảnh hưởng lan tỏa làm cho môi trường xã hội cũng dần dần trở nên an toàn hơn để trẻ em được lớn lên khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.”

Lễ Khởi động cũng để lại dấu ấn trong lòng người tham gia khi giới thiệu Bài hát của Sáng kiến (Điều tuyệt vời nhất trên đời) do nhạc sỹ Tạ Quang Thắng, ca sỹ Hà Anh Tuấn, và nhóm trẻ em từ các vùng nơi tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đang giúp đỡ thực hiện. Qua đó phản ánh thực trạng bạo lực thân thể trẻ em và nói lên viễn cảnh về một thế giới không bạo lực nơi mọi trẻ em đều được lớn lên trong sự bảo vệ, che chở, và yêu thương của các bậc cha mẹ và thầy, cô giáo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác 5 năm

Sự kiện kết thúc bằng việc kêu gọi các bên cùng chung tay nhằm chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học, đặc biệt là việc ký kết Bản Thỏa thuận Hợp tác 5 năm giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam như bước khởi đầu, khích lệ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí và cá nhân tham gia vào Sáng kiến nói riêng và nỗ lực chấm dứt bạo lực trẻ em nói chung. Sáng kiến sẽ được triển khai tại 14 tỉnh và thành phố trên cả nước, tập trung vào các lĩnh vực như: Dinh dưỡng, giáo dục kỹ năng và giá trị sống, sự tham gia của trẻ, bảo vệ trẻ em và phát triển sinh kế hộ gia đình.

Đăng Doanh