Xã hội
Tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện 30a ở Hà Giang giảm còn 34%
10:27 AM 02/07/2020
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ở Hà Giang giảm từ 64,03% xuống còn 34,%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6,0% tỷ lệ hộ nghèo); riêng huyện Bắc Mê (huyện mới bổ sung vào huyện nghèo 30a từ năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.

Theo đó, trong giai đoạn này, toàn tỉnh Hà Giang ước giảm khoảng 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo). Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Giang đạt 22,8 triệu đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 52,6% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%); số người dân có thẻ BHYT đạt 98,5% và 100% hộ gia đình có người ốm đau được được đưa đi khám chữa bệnh, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; 91% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 84,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 92,3% hộ được sử dụng điện, 57,6% hộ nghèo được tiếp cận thông tin; 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến thôn. Đến cuối năm đã có trên 4.000 hộ hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở…

Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo huyện Yên Minh (Hà Giang)
Báo cáo về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực trên địa bàn tỉnh Hà Giang là gần 8.226 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.731,021 tỷ đồng, nguồn lực khác là 4.344 tỷ đồng (doanh số cho vay tín dụng), nguồn lực huy động lồng ghép thực hiện Chương trình gần 1.151 tỷ đồng (trong đó, ngân sách địa phương 594,64 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 96,88 tỷ đồng, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng đóng góp 459,387 tỷ đồng).
Trong đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tỉnh Hà Giang được đầu tư 151,771 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng, gồm: giống ngô, đậu tương, lạc, hồng không hạt, cây lê, cây dược liệu, phân bón, giống lợn, dê, bò, bồ câu... có năng suất và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, mua giống trồng cỏ để chăn nuôi gia súc; tập huấn khuyến nông… cho gần 112.000 lượt hộ nghèo hưởng lợi; tổ chức dạy nghề cho 8.157 lao động nông thôn và hỗ trợ giống cây tam giác mạch để thu hút khách du lịch đến với các địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn được hỗ trợ đầu tư 18,832 tỷ đồng, giao cho 7 huyện nghèo xây dựng 65 mô hình giảm nghèo nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà đen theo hình thức luân chuyển và có thu hồi cho 1.546 hộ nghèo hưởng lợi.
Tiếp đến, đối với việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, tính từ khi triển khai (năm 2016) đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã thực hiện hỗ trợ 1.254 hộ với kinh phí 31,224 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn hỗ trợ của các hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, Quỹ ngày vì người nghèo, doanh nghiệp đã hỗ trợ xóa nhà tạm và sửa chữa nhà cho 998 hộ nghèo và hội viên; các huyện và các ngành đã tự vận động nguồn lực tổ chức triển khai hỗ trợ cho 202 hộ nghèo. Đặc biệt, từ tháng 8/2019, thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn xã hội hóa theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 25/7/2019 của Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 2.330 hộ gia đình đã triển khai xây dựng nhà ở, bao gồm: 199 hộ gia đình chính sách người có công, 464 hộ cựu chiến binh nghèo, 1.310 hộ nghèo xã biên giới, 42 hộ nghèo thuộc xã nông thôn mới và 315 hộ nghèo xã nội địa. Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2020, hỗ trợ xây dựng cho 3.000 hộ và dự ước tổng số hộ được hỗ trợ cả giai đoạn là 5.455 hộ.
Đánh giá về việc thực hiện thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Hà Giang, cho biết: Nhìn chung, các chính sách và dự án giảm nghèo trên địa bàn được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như cứu đói, cứu tế, khắc phục thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, an sinh xã hội... Qua đó đã giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển kinh tế xã hội. Công tác giảm nghèo được tổ chức triển khai tốt, thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân. Nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổng công ty, các đơn vị, tổ chức cá nhân trong công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm.
Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang tiếp tục đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Các hộ thoát nghèo, ngoài đạt chuẩn thu nhập theo quy định của Chính phủ, phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 2 lần so với cuối năm 2020.

Chí Tâm