Lao động
Tủa Chùa đào tạo nghề theo phương pháp “3 tại chỗ”
02:02 PM 29/03/2017
Với phương pháp đào tạo tại chỗ, từ năm 2011 đến nay, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã đào tạo nghề cho hàng trăm lao động nông thôn. Hầu hết học viên sau khi học nghề đã thay đổi nhận thức, có việc làm và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập góp phần tích cực trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tủa Chùa, cho biết: Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân trên địa bàn, từ đó có định hướng lựa chọn các ngành, nghề để xây dựng chương trình, giáo án giảng dạy đảm bảo yêu cầu phù hợp với thực tế.
Người dân đội 8, xã Mường Báng áp dụng kiến thức, kỹ thuật
vào chăn nuôi gà xương đen sau khi tham gia học nghề.
Trong quá trình tổ chức các lớp đào tạo nghề, Trung tâm thực hiện theo phương pháp “3 tại chỗ”: Tuyển sinh tại chỗ, đào tạo tại chỗ và cấp phát chứng chỉ tại chỗ. Trước hết là xác định đúng đối tượng trọng tâm để tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ. Đồng thời xác định nhóm ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện của từng xã trên địa bàn. Sau khi khảo sát, tuyển sinh, Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề ngay tại các xã, bản giúp người học tiết kiệm thời gian đi lại; vừa học, vừa có điều kiện áp dụng các kiến thức vào thực tiễn, từ đó tăng hiệu quả học nghề. Thông thường, mỗi lớp đào tạo nghề tại chỗ kéo dài từ 2 - 3 tháng. Ngành, nghề đào tạo phần lớn là kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng rau xanh; kỹ thuật trồng, khai thác rừng và chè cây cao. Thời gian gần đây, qua khảo sát nhu cầu của lao động nông thôn và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo nghề: Kỹ thuật xây dựng dân dụng; sửa chữa lắp đặt điện, nước; sửa chữa xe máy… Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Tủa Chùa tư vấn, tuyển sinh và mở 15 lớp với hơn 500 học viên. Theo thống kê, đánh giá, trên 70% học viên sau khi học nghề đã vận dụng kiến thức để phát triển kinh tế gia đình.
Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức dựa trên cơ sở nhu cầu, mong muốn của lao động và đã từng bước phát huy hiệu quả. Bởi học theo nhu cầu nên học viên tham gia học tập nghiêm túc hơn; mạnh dạn vận dụng kiến thức, kỹ thuật được đào tạo vào thực tiễn sản xuất. Ngoài dạy nghề theo nhu cầu, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Tủa Chùa còn được tính đến yếu tố quy hoạch vùng về phát triển nông nghiệp. Các xã phía nam như: Mường Báng, Tủa Thàng thường mở các lớp về: kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, chăn nuôi cho người dân tái định cư; các xã phía bắc: Sính Phình, Sín Chải, Tả Phìn… thì mở các lớp về kỹ thuật trồng và khai thác chè cây cao.
Theo kế hoạch, năm 2017, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức đào tạo cho 1.000 học viên tham gia học nghề. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện Tủa Chùa tiếp tục chú trọng đào tạo theo phương châm “3 tại chỗ”; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền cơ sở cử cán bộ đến từng xã, bản để điều tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích thiết thực của việc học nghề đối với tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo Báo Điện Biên phủ