Lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
07:29 PM 18/04/2024
(LĐXH) - Sở LĐTBXH tỉnh An Giang đã chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm; kịp thời triển khai quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trên địa bàn. Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Chương trình hỗ trợ tạo việc làm đã giúp cho nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định
Trong năm 2023, Sở đã cấp 16 giấy phép là người lao động nước ngoài, gia hạn 02 giấy phép lao động, tiếp nhận báo cáo tình hình sử dụng lao động cho 03 lao động nước ngoài. Tính đến nay, số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh là 144 lao động (trong đó, số lao động nước ngoài làm việc trong các khu công nghiệp là 95 lao động). Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 22.365 trường hợp (trong đó, ngoài tỉnh chuyển về 14.093 trường hợp) với tổng số tiền chi trả là 384.983 triệu đồng. Lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm trở lại là 682 lao động (Trong đó: lao động trong tỉnh 309, lao động ngoài tỉnh 373 lao động).

Thực hiện Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tỉnh An Giang đã giải ngân số tiền 193,04 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.071 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/lao động/tháng. Quan tâm đổi mới về hình thức và nội dung các hoạt động giao dịch việc làm; kịp thời chia sẻ thông tin lên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối trực tuyến người lao động và doanh nghiệp.

Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức 14 Phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm và 42 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 10 huyện, thị, thành (Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn, Tân Châu; Long Xuyên, Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới), kết quả đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 41.831 lượt người, đạt 158% kế hoạch, trong đó có việc làm là 4.007 lượt người, đạt 89% kế hoạch. Thường xuyên tuyên truyền các chính sách hỗ trợ lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp  có chức năng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tạo nguồn lao động tại địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh đã đưa 520 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua đó đã góp phần giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác lao động, việc làm của tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua gặp khó khăn dẫn đến việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Qua nắm tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các hợp đồng doanh nghiệp đang ký kết với khách hàng được thiết kế khó hơn, yêu cầu người lao động phải có tay nghề cao, kỹ thuật tốt hơn...; số đơn hàng giảm, nên các doanh nghiệp chủ yếu duy trì lực lượng lao động để ổn định sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động thời gian tới không nhiều. Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp có đơn hàng lớn nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt do nguồn cung từ thị trường ngoài nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cao, cũng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thêm nữa, hoạt động của Sàn giao dịch việc làm đã phát huy vai trò là nơi gắn kết cung - cầu lao động, kết nối giữa các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động với người lao động có nhu cầu về việc làm. Tuy nhiên, nguồn lao động đến tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm chủ yếu là lao động trẻ, thiếu kỹ năng, quá trình đào tạo chưa gắn liền với thực tế công việc tham gia ứng tuyển, vì vậy ảnh hưởng đến công tác kết nối việc làm, đặc biệt là việc tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác lao động, việc làm, đặc biệt là công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, bộ đội xuất ngũ, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, lựa chọn những doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện pháp lý, có uy tín và lựa chọn thị trường lao động có tiềm năng, thu nhập cao để tuyển chọn, đưa lao động đến làm việc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý và thực thi chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xem xét, bổ sung quy định cụ thể về các chế tài, biện pháp xử lý và cơ chế phối hợp xử lý đối với người lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc tham gia chính sách việc làm công, quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhà thầu thực hiện các dự án trong việc khuyến khích, hỗ trợ và ưu tiền người lao động địa phương tham gia chính sách việc làm công.

Tăng cường các hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động trong việc bảo vệ quyền con người của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, trao đổi thông tin và tiếp cận, mở rộng thị trường lao động bằng các chương trình hợp tác về lao động; xây dựng các chính sách, quy định về tăng cường chuyển tiền kiều hối qua các kênh chính thức, tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật và phát triển tay nghề, ngăn chặn sự di cư và tuyển dụng lao động bất hợp pháp.

Bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để tăng cường hoạt động tín dụng ưu đãi, đáp ứng nhu cầu của người lao động trong tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về việc làm để chính quyền địa phương trong cả nước có thể khai thác dữ liệu, theo dõi thông tin lao động - việc làm, từ đó có cơ sở để hoạch định các chính sách liên quan./.

Hồng Phượng