Lao động
Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk: Kết nối cung – cầu lao động để giải quyết việc làm cho người lao động
07:58 AM 23/11/2021
(LĐXH) - Theo đánh giá cung – cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, tổng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong 09 tháng đầu năm 2021 cho thấy có 1.781 lượt đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển là 17.513 người. Trong đó, vị trí tuyển dụng có trình độ Đại học là 593 người, Cao đẳng 1.117 người, Trung cấp 2.135 người, bằng nghề 309 người và lao động phổ thông 13.359 người.
Người lao động đăng ký việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đắk Lắk

Qua thu thập, khai thác thông tin về nhu cầu tuyển dụng thực tế tại 1.615 lượt đơn vị, doanh nghiệp và đã có 838 lượt đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 8.241 lượt người. Tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong 09 tháng đầu năm 2021: Số lượng hồ sơ tìm việc của người lao động nộp hồ sơ là 2.215 người. Chia theo trình độ cụ thể như : Đại học 645 người, Cao đẳng 309 người, Trung cấp 198 người, bằng nghề 210 người và lao động phổ thông 853 người. Theo trình độ cho thấy biên độ lệch pha giữa nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm kiếm việc làm rất lớn, trong đó trình độ lao động phổ thông lớn nhất, tiếp đó là trình độ trung cấp, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk Lê Hải Lý cho hay.

Bên cạnh đó, trong 09 tháng đầu năm 2021, có 20 lượt đơn vị, doanh nghiệp ngoại tỉnh đăng ký tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển là hơn 3.581 lượt người. Nhu cầu tuyển tập trung chủ yếu là lao động phổ thông làm việc ở các ngành như dệt may, giày da, nội thất, gỗ, điện tử,…  Về xuất khẩu lao động, trong 9 tháng Trung tâm DVVL tỉnh đã tư vấn cho 994 lượt người lao động (trong đó, tại các phiên lưu động, hội nghị,… là 915 lượt người lao động) có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, giới thiệu 08 lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, kết quả có 18 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.  

Người lao động đăng ký việc làm tại Trung tâm DVVl tỉnh Đắk Lắk năm 2021

Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk đánh giá tình hình tuyển dụng, tìm kiếm việc làm và kết quả chắp nối cung - cầu lao động 09 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh cho thấy: “ Về nhu cầu tuyển dụng so với cùng kỳ năm 2020, tổng nhu cầu tuyển dụng lao động tại Trung tâm trong 09 tháng đầu năm 2021 giảm 4.208 lượt người (-19,73%), trong đó, giảm mạnh nhất ở nhu cầu tuyển lao động phổ thông với 4.095 lượt người (-23,46%). Nhu cầu tuyển dụng cao nhất là trình độ lao động phổ thông (76,28%) chủ yếu tuyển công nhân sản xuất và nhu cầu tuyển dụng thấp nhất là trình độ bằng nghề/tay nghề (1,76%).

Nhu cầu tuyển dụng cao nhất là ở ngành Dịch vụ có 7.847 lượt người, chiếm 44,81% tổng nhu cầu tuyển; tiếp đó là ngành Công nghiệp - Xây dựng 5.880 lượt người, chiếm 33,58% tổng nhu cầu tuyển và cuối cùng là ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản 3.786 lượt người, chiếm 21,62% tổng nhu cầu tuyển”.

Vê nhu cầu tièm kiếm việc làm của người lao động so với cùng kỳ năm 2020, tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong 09 tháng đầu năm 2021 giảm 722 hồ sơ (-24,58%) và giảm mạnh nhất ở trình độ lao động phổ thông với 356 hồ sơ (-29,45%). Nhu cầu tìm kiếm việc làm cao nhất là trình độ lao động phổ thông (34,51%) chủ yếu nhân viên kinh doanh, bán hàng và nhu cầu tìm kiếm việc làm thấp nhất là trình độ Trung cấp (8,94%).

         

Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk

Kết quả kết nối cung – cầu lao động  

Trong 09 tháng đầu năm 2021, Trung tâm DVVL tỉnh đã giới thiệu 4.925 lượt lao động (giảm 42,32% so với cùng kỳ 2020) đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả có 1.692 lượt lao động (giảm 50,66% so với cùng kỳ 2020) đã được tuyển dụng và có việc làm.  Năm 2021 tiếp tục là năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường lao động tỉnh Đắk Lắk trong 09 tháng đầu năm rất biến động, nhiều ngành nghề bị tác động mạnh dẫn tới việc ngừng sản xuất, kinh doanh, dừng hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh, trong khi nhu cầu tìm kiếm việc làm lại rất trầm so với cùng kỳ năm ngoái, đã tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho công tác chắp nối cung – cầu lao động của Trung tâm, với tỷ lệ chắp nối đạt là 34,36%.

Điều đó cho thấy các kết quả nêu trên đã phản ánh những nỗ lực của Trung tâm trong việc kết nối nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động. Tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng tỷ lệ đạt sau giới thiệu việc làm vẫn tương đối khả quan. Nỗ lực chắp nối của Trung tâm đạt được kết quả tích cực ở trình độ Đại học và Bằng nghề, cần cải thiện thêm ở các trình độ khác.

Theo ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại hạn chế trong việc kết nối cung – cầu lao động tại địa phương như: Thị thường lao động Đắk Lắk hiện nay có sự biến động rất lớn, có một nghịch lý đang tồn tại làm cung - cầu vẫn chưa gặp nhau, mặc dù lực lượng lao động từ phía Nam, chủ yếu như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 quay về đại phương rất lớn nhưng công tác giới thiệu việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay đạt tỷ lệ chưa cao.

Qua tìm hiểu, có thể do một số nguyên nhân như: Về mức lương – môi trường làm việc. Qua tư vấn việc làm, hầu hết người lao động ở các tỉnh khác về Đắk Lắk không phù hợp với mức lương mà các doanh nghiệp trong tỉnh trả. Nếu mức lương cơ bản của một lao động làm việc tại các tỉnh phía Nam từ 5,5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca, các chế độ ưu đãi khác mà các doanh nghiệp trả cho người lao động (tổng thu nhập khoảng trên 8 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ trả mức lương cơ bản từ 3,5- 4 triệu đồng/tháng.

Mặt khác, môi trường làm việc cũng không phù hợp với họ, ở các tỉnh phía Nam người lao động làm việc trong điều kiện đầy đủ các tiện nghi, làm việc có hệ thống, dây chuyền và có tổ chức… (mỗi công ty có hàng ngàn, đến hàng chục ngàn lao động động làm việc), nhưng tại Đắk Lắk số lao động làm việc ở doanh nghiệp rất ít chỉ khoảng vài chục đến vài trăm công nhân, môi trường làm việc thiếu thốn, có nơi mô hình làm việc theo hộ gia đình, thiếu chuyên nghiệp….

Người lao động đăng ký việc làm tại sàn giao dịch việc làm Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk 2021

Ngoài ra, người lao động chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động: Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid 19 nên đa số người lao động (chủ yếu ở các tỉnh phía nam về) còn nhiều hoang mang, e dè và lo ngại về dịch bệnh trở lại hoặc lo ngại về tính bền vững của việc làm nên họ chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Trung tâm đã giới thiệu việc làm nhiều lần và nhiều vị trí nhưng họ chỉ nắm thông tin, không chủ động đến để phỏng vấn. Qua tìm hiểu số lao động từ ngoại tỉnh về Đắk Lắk do ảnh hưởng của dịch Covid, một số lao động họ không tham gia thị trường lao động trong tỉnh, vì các doanh nghiệp nơi họ đang làm việc chỉ tạm dừng hợp đồng lao động trong thời gian cao điểm của dịch bệnh; đồng thời họ có chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian tạm dừng làm việc; mục đích nhằm thu hút lao động trở lại làm việc sau khi dịch bệnh giảm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tuyển dụng trong tỉnh chưa có cơ chế để thu hút nguồn lao động có kinh nghiệm đã làm việc tại các tỉnh phía Nam về làm việc tại đơn vị mình, nên không đáp ứng nhu cầu của người lao động. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa nhiều, còn nhỏ lẻ, quy mô chưa lớn nên khi bị ảnh hưởng dịch bệnh covid đã thu gọn quy mô hoạt động, vì vậy việc tuyển dụng gặp khó khăn.

Qua thống kê cho thấy tỷ lệ lao động được tuyển dụng và Doanh nghiệp tuyển dụng được lao động qua các phiên giao dịch việc làm chiếm tỷ lệ rất cao. Vì tại phiên giao dịch, người lao động và doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, nắm bắt thông tin về cung - cầu lao động rất cụ thể và có cơ hội tìm kiếm nguồn cung - cầu lao động đa dạng, phong phú hơn. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên từ tháng 4/2021 đến nay Trung tâm không thể tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nên đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác chắp nối cung - cầu lao động.

Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác giới thiệu việc làm nên các thông tin về cung cầu lao động chưa được cập nhật thường xuyên, dẫn đến người lao động cũng như doanh nghiệp thiếu các thông tin về tuyển dụng và nhu cầu tuyển dụng.

Các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Người  lao động đăng ký việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk

Ông Lê Hải Lý – Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong những tháng cuối năm Trung tâm DVVL tỉnh sẽ tham mưu đổi mới phương pháp tổ chức Phiên giao dịch việc làm cho phù hợp với tình hình hiện tại như: Tổ chức Phiên trực tuyến hoặc các buổi tư vấn việc làm theo chuyên đề với số lượng dưới 30 người/lần để người lao động có cơ hội được tiếp cận gần nhất những thông tin về thị trường lao động hiện tại, mở ra các cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng và tìm kiếm được công việc phù hợp ngay. Trong đó, tập trung vào các địa bàn có nhiều người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

 Trung tâm tập trung đẩy mạnh công tác kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thống kê nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, trên cơ sở đó kết nối thông tin với người lao động nhằm tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm được phù hợp và đạt hiệu quả cao. Đồng thời tăng cường hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động thông qua điện thoại, website, email... để khai thác vị trí việc làm trống nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề phù hợp.

Tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp;  Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, xuất khẩu lao động, dạy nghề... đặc biệt là thông qua website vieclamdaklak.net, facebook của Trung tâm. Cập nhật thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo sự tương tác diễn ra liên tục, thường xuyên giúp đa dạng hóa sự tiếp cận các nguồn thông tin đến người người lao động và doanh nghiệp.

 

Hoàng Cảnh