Xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh: Hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng
02:17 PM 08/12/2017
Không được quây quần bên gia đình trong những ngày Tết, nhưng các cụ già cô đơn không nơi nương tựa, các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Quảng Ninh (phường Nam Khê, TP. Uông Bí) vẫn được đón một cái Tết đầm ấm, tràn đầy yêu thương trong sự quan tâm, chăm sóc của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm cùng những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước.
Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội thăm và tặng quà đối tượng được chăm sóc theo mô hình tự nguyện tại Trung tâm
Ông Phạm Minh Tứ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm nào cũng vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành trong tỉnh, các tổ chức, những tấm lòng hảo tâm…, Trung tâm đã chủ động chuẩn bị mọi thứ để cho các cụ, các đối tượng có một cái tết đủ đầy, đầm ấm. Trong năm, đơn vị đã tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn để bảo đảm có thực phẩm sạch ăn tết. Đối với những đối tượng có nhu cầu, nguyện vọng về quê ăn tết, Trung tâm đều bố trí xe đưa đón về tận nhà. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 89 đối tượng, trong đó đối tượng xã hội là 66 người, đối tương tự nguyện 22 người, 01 đối tượng thu gom. Hầu hết các đối tượng bảo trợ xã hội ở đây đều có hoàn cảnh éo le, bệnh tật, khuyết tật, tâm thần không nơi nương tựa, khi được về sống chung trong ngôi nhà này họ rất phấn khởi.
Bà Đào Thị Lành, quê ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên năm nay 70 tuổi và đã có 6 năm sống tại Trung tâm đang rất phấn khởi khoe với chúng tôi túi quà gồm có 1 hộp sữa, một cốc chè và vài cái bánh. Bà cho biết, đây là chế độ ăn thêm trong một ngày của những đối tượng người cao tuổi khuyết tật nặng như bà, vị chi tổng một tháng là 400.000 đồng tiền trợ cấp thêm. Bà Lành cho biết, khi bà mới sinh được 1,5 tháng tuổi thì mẹ mất, bố ở vậy nuôi con. Cách đây 6 năm, người bố mất, không có anh chị em, không có chỗ nương tựa, bà được một cán bộ nhân viên Trung tâm giới thiệu vào đây. “Sống ở đây, tôi thấy rất thoải mái, tự do, cơ quan cho ăn ngày 3 bữa, không thiếu thứ gì” - bà Lành chia sẻ.
Thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý và tư vấn đối tượng, trong 9 tháng đầu năm nay, Phòng Quản lý tư vấn của trung tâm đã tiến hành lập 15 hồ sơ quản lý trường hợp tại Trung tâm để thường xuyên giải quyết những đối tượng có tâm lý phức tạp; tư vấn cho 47 lượt đối tượng và tham vấn sâu cho 17 lượt người gặp vấn đề tâm lý. Bên cạnh đó, công tác tác kết nối cộng đồng cũng được đẩy mạnh, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng được nâng cao. Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp đón trên 70 lượt tổ chức, cá nhân đến thăm, tổ chức các hoạt động cho đối tượng, trong đó có các đoàn ủng hộ về vật chất. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên giữ mối liên hệ với các nhóm tình nguyện, các trường học đào tạo về công tác xã hội để đưa sinh viên xuống thực tế, chia sẻ với các đối tượng.
Trong công tác y tế, phục hồi chức năng, đơn vị duy trì công tác đo huyết áp đầu giờ trong ngày, cấp phát thuốc và điều trị tại cho cho 10.294 lượt đối tượng mắc các bệnh mãn tính; tập phục hồi chức năng trên máy cho 1.669 lượt đối tượng; xoa bóp, bấm huyệt cho 332 lượt đối tượng, duy trì tập dưỡng sinh cho 22 đối tượng tự nguyện; đưa 335 lượt đối tượng đi khám bệnh theo chế độ BHYT tại Trung tâm Y tế thành phố Uông Bí và bệnh viện tuyến trên. Trong dịp các ngày lễ lớn, đơn vị đã mời các bệnh viện, các trung tâm y tế đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đối tượng. Trung tâm đã tổ chức cho 100% đối tượng đi khám sức khỏe định kỳ; thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, tắm, giặt cho đối tượng khuyết tật nặng và đặng biệt nặng, đối tượng già yếu không tự phục vụ.
Song song với việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai công tác chăm sóc đối tượng tự nguyện. Tháng 5/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại Trung tâm. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, Trung tâm đang duy trì chăm sóc 22 đối tượng tự nguyện, bao gồm người cao tuổi và người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí... Những đối tượng tự nguyện có độ tuổi từ  55 tuổi đến 95 tuổi, tình trạng sức khỏe yếu, mang nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh về xương khớp và bệnh lẫn của tuổi già, bại liệt, thần kinh. Thân nhân là những gia đình có nhu cầu và nguyện vọng chăm sóc người thân của mình chu đáo hơn vì họ không có thời gian. Khi gửi vào đây, các gia đình đều có cảm nhận tương đối hài lòng về các dịch vụ của Trung tâm.
Tại đây, chế độ ăn hằng ngày của các đối tượng được đảm bảo, thời gian sinh hoạt phù hợp, đối tượng được chăm sóc sức khỏe hàng ngày, được xoa bóp bấm huyệt, tham gia các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt tập thể. Trung tâm đã bố trí các đối tượng sinh hoạt trong phòng ở khép kín và đảm bảo thoáng mát, môi trường khuôn viên đầy cây xanh là nơi lý tưởng để các cụ người cao tuổi thư thái dạo mát ngắm cảnh. Mỗi một đối tượng đều có phác đồ cũng như cách thức chăm sóc riêng phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và tính cách của từng người. Đối với một số các cụ bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, Trung tâm có hệ thống máy tập kết hợp xoa bóp để phục hồi chức năng, giúp cải tạo tình trạng sức khỏe. Phòng Y tế- PHCN tổ chức đo huyết áp và xoa bó bấm huyệt cho đối tượng tại phòng ở, theo dõi tình hình sức khỏe và thay đổi chế độ ăn hợp lý của đối tượng. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức cho các cụ đi thăm quan, dã ngoại tại các khu du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh phù hợp với sức khỏe của đối tượng.
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng có nhu cầu ở cộng đồng, Trung tâm đã xây dựng và hoàn thiện Đề án chuyển đổi hoạt động trợ giúp hướng đến xây dựng trung tâm trở thành cơ sở phúc lợi, thực hiện các hoạt động tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH và đối tượng lang thang, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp do các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị chuyển đến; Cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng có nhu cầu trên địa bàn các huyện: Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Hoành Bồ; Chăm sóc nuôi dưỡng tự nguyện có thời hạn, chăm sóc bán trú và chăm sóc tại gia đình với các gia đình có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận để tất cả mọi người đều được hưởng phúc lợi xã hội.
Việc chăm sóc các đối tượng tự nguyện cần nhất là sự quan tâm ân cần, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đối với các cụ người cao tuổi còn nhận thức tốt và minh mẫn, đòi hỏi sự khéo léo trong cư xử của người nhân viên; mặt khác đối với các cụ đã lẫn cần có sự hiểu biết, tinh tế, sự chỉ dẫn tận tình như một người thân thật sự. Và quan trọng nhất đó là cái tâm của người làm nghề. Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác giáo dục tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ý thức trách nhiệm với chữ " tâm", đó là tấm lòng, sự chia sẻ đồng cảm đối với những người cao tuổi và người khuyết tật. Ngoài đảm bảo sức khoẻ, tìm lại niềm vui, ý nghĩa cuộc sống cho các cụ chính là một trong những mục tiêu mà Trung tâm hướng tới. Hiện lực lượng cán bộ, nhân viên đang nỗ lực hết sức để Trung tâm thực sự trở thành nơi gắn bó, mái nhà thứ 2 ấm cúng cho các cụ.
Cụ Nguyễn Văn Long (SN 1940)  là một ví dụ. Cụ không xa lạ gì với nhiều người dân TP Uông Bí, bởi nhiều năm lang thang, kiếm sống trên địa bàn TP Uông Bí bất chấp thời tiết gió rét, mưa, nắng nên thường được gọi là ông "Long điên". Nay cụ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị nên sức khoẻ, bệnh tình cũng đang dần ổn định. Nơi đây như đã trở thành mái ấm với cụ. Đối với cụ Đỗ Văn Bác (SN 1933, Cẩm Phả) không có gia đình, con cái. Vào Trung tâm trong cảnh không gia đình, người thân, những tưởng sống cảnh cô quạnh suốt đời, cụ lại tìm được niềm vui, hạnh phúc với người bạn già chung cảnh ngộ cụ Ngô Thị Đức (SN 1929) để cùng nương tựa vào nhau suốt quãng đời còn lại. Không chỉ riêng ông Long, cụ Bác, tìm hiểu chúng tôi được biết tại Trung tâm có hàng chục trường hợp các cụ đã thực sự tìm được nơi tựa, niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống ở mái nhà thứ 2 này.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo hoàn thiện Đề án chuyển đổi hoạt động trợ giúp của Trung tâm
Theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH), việc chuyển đổi mô hình cơ sở BTXH sang mô hình mới gắn với cộng đồng là thực sự cần thiết và phải mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng, đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ ở các cơ sở. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động của các Trung tâm BTXH, trong đó có các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, chăm sóc dài hạn, tư vấn tham vấn, hỗ trợ đối tượng, sinh kế, phát triển cộng đồng, quản lý trường hợp, kết nối chuyển tuyến. Cùng với đó, Bộ Lao động- TBXH đang xây dựng quy định định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá dịch vụ áp dụng cho các cơ sở BTXH, trong đó kinh phí sẽ được cấp cho các cơ sở theo số lượng đối tượng thụ hưởng dịch vụ ở trung tâm, theo chất lượng cung cấp dịch vụ. Trung tâm nào thực hiện hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ sẽ được cấp kinh phí nhiều hơn và mục tiêu là để cho các cơ sở BTXH có quyền tự chủ nhất định trong sử dụng kinh phí, tuyển dụng được cán bộ có năng lực. Trong giai đoạn 2016 -2020, sẽ nhân rộng mô hình Trung tâm CTXH ở cấp huyện, đưa dịch vụ đến gần với người dân tại cộng đồng. Đối với Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp xã hội là rất phù hợp với định hướng hoạt động của các cơ sở BTXH, trung tâm CTXH theo hướng phục vụ đối tượng tại cộng đồng.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Ninh cùng sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, Đề án Chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp xã hội sớm được phê duyệt và triển khai thực hiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp của các đối tượng yếu thế trên địa bàn.
Nguyễn Minh Anh