Lao động
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
09:59 AM 12/06/2021
(LĐXH)- Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Bộ LĐTB&XH đã và đang tham mưu nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn (ảnh: KT)
BHXH chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động
Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người lao động, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
BHXH Việt Nam tính toán, có khoảng 39.000 đơn vị, doanh nghiệp với khoảng 1,15 triệu người lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng.
Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ quỹ BHTN. Cụ thể, hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đang đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt, hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân).
Trường hợp trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ
Theo đánh giá của LÐTB&XH, tác động của đại dịch Covid-19 lần này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm. Ðặc biệt, dịch bùng phát đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất, kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, đây là hai tỉnh có đông người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ðến cuối tháng 5/2021, tỉnh Bắc Giang đã phải tạm đóng cửa bốn khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, theo đó gần 150 nghìn lao động tạm ngừng việc. Tỉnh Bắc Ninh có 42 nghìn lao động trên tổng số 320 nghìn lao động phải ngừng việc. TP Hải Phòng có hơn 30 nghìn lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Vĩnh Phúc... một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.
Tiêm vaccine cho người lao động (ảnh: KT)
Theo Bộ trưởng LÐTB&XH Ðào Ngọc Dung, giai đoạn này, bên cạnh phòng ngừa ở cộng đồng, tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì cần chú trọng địa bàn chiến lược là các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng trăm nghìn lao động.
Với các địa phương có đông công nhân, người lao động như Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... cần quan tâm quản lý công nhân, thực hiện giãn cách, cách ly khi rà soát mắc virus SARS-CoV-2. Quản lý công nhân "hai chiều", cả ngày làm việc và ngày nghỉ. Triển khai quyết liệt các biện pháp cách ly, nhưng vẫn phải quan tâm bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động.
Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho rằng, để ứng phó với dịch đang diễn biến phức tạp, biện pháp căn cơ vẫn phải là tiêm vaccine đại trà. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, nơi cư trú, không để lọt các mầm bệnh...
Hiện tại, Bộ LÐTB&XH cũng hoàn thiện các chính sách về việc hỗ trợ các địa phương, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, ngày 10/6/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng về dự thảo Nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn vì Covid-19.
Theo đó, tại Thông báo này, Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ LĐTB&XH đã khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong dự thảo Tờ trình cần nêu rõ các nội dung và lý do xin ý kiến về đối tượng được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ cũng như nguồn kinh phí và tổng mức hỗ trợ.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, diễn ra cuối tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐTB&XH triển khai thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19./.
Hồng Minh